Hôm gia đình Vần A Hùng, Lý A Dền bản Nậm Lò tổ chức chung Lễ Cấp sắc cho các con trai của mình. Từ sáng sớm, dân bản không ai bảo ai, mỗi người một việc, người lo bếp núc, củi đuốc, người gọt khoai, thái đu đủ… các thầy cúng thì lo lập đàn, dán tranh thờ, chuẩn bị các đồ cúng tế...
Bản Nậm Lò có 75 hộ, 400 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao. Bản xa trung tâm xã, đi lại khó khăn, phải tới năm 2017, điện lưới quốc gia mới đến với bà con nơi đây. Ngày trước lên được bản Nậm Lò khá vất vả bởi đường đất lồi lõm, “ổ gà”, “ổ trâu".
Trong ngôi nhà khang trang mới dựng, cụ ông Phàn A Đậu (75 tuổi) phấn khởi chia sẻ: “Nậm Lò nay đã khác trước. Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 - PV) nay về Nậm Lò đường bê tông phẳng lỳ nối từ quốc lộ vào tận sân của mỗi hộ dân. Điện, đường, trường, trạm nay đã đồng bộ, người dân đi lại thuận tiện lắm. Con trẻ đến trường học chữ, được bố mẹ chở bằng xe máy, những đứa lớn thì đi xe đạp điện. Ô tô vào tận bản, hàng hóa cứ tấp nập trao đổi mua bán, bà con ai ai cũng vui”. Mỗi khi bản có dịp quây quần, cụ Đậu lại kể những mặt chưa phù hợp về những tập tục lạc hậu xưa để lớp trẻ lấy đó mà xây dựng đời sống hôm nay cho tốt hơn.
Trước đây, để chuẩn bị cho Lễ Cấp sắc, nhiều gia đình phải chuẩn bị trước cả năm trời, lễ vật thường là: lợn, gà, xôi, rượu, cá, đèn dầu, nhang hương, vàng mã… nhà có điều kiện còn mổ cả trâu lớn. Nhiều nhà vì muốn đẹp mặt với họ hàng nên làm lễ to, mời cả bản tới dự, ăn uống linh đình cả tuần trời, vô cùng tốn kém. Như để “trả nợ miệng”, nhiều nhà trong bản cũng cố theo để bằng anh, bằng em. Sau lễ là một khoản nợ “trên trời” giáng xuống mỗi đầu các thành viên. Có thời điểm Lễ Cấp sắc trở thành mối lo, là gánh nặng cho mỗi gia đình người Dao khi có con đến tuổi trưởng thành.
Còn với Tẩn Minh Đạch, Trưởng bản Nậm Lò thì không quên cảnh trước đây gia đình nào có người chết, việc chôn cất thường được làm lý bằng tục thầy mo ném trứng, trứng rơi đâu thì người nhà hạ huyệt ở đó, gây rất nhiều phiền toái cho các cấp chính quyền khi đứng ra giải quyết. Thực hiện đời sống văn hóa mới, nhiều hủ tục bị bãi bỏ, chuyện cưới xin không còn nặng nề việc thách cưới nữa, trong bản có người chết thì chôn ở nghĩa địa chung. Trước Lễ Cấp sắc kéo dài cả tuần, nay cả công tác chuẩn bị chỉ khoảng 2 ngày. Xưa kia, Lễ Cấp sắc mỗi lần một người, giờ Lễ được tổ chức chung một lần cho nhiều người trong bản.
Các cao niên ở Nậm Lò cho biết, qua Lễ Cấp sắc, các con sẽ được răn dạy, thực hành các nghi lễ, trong đó có nhiều nội dung giảng dạy về truyền thống, phong tục tập quán, khuyên răn đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế để hướng tới cái thiện, tránh xa điều xấu, điều ác...
Một nghi thức quan trọng nhất trong lễ Cấp sắc là đặt tên âm cho người con trai. Theo quan niệm của người Dao, khi cúng lễ tổ tiên không dùng tên thật mà phải dùng tên âm. Có nghĩa là khi ấy người con trai đã trưởng thành có thể “danh chính ngôn thuận”, “giao tiếp” với tổ tiên. Sau Lễ Cấp sắc, người con trai được coi là trưởng thành, từ đây họ phải có trách nhiệm với họ hàng, cộng đồng trong việc xây dựng bản mường quê hương ngày càng tốt đẹp hơn.
Hiện nay, thực hiện nếp sống mới, lễ Cấp sắc được rút gọn, nhiều thủ tục được tinh gọn, có thể tổ chức cho nhiều người một lúc và bất kể khi nào có điều kiện thuận lợi.
Ông Lý A Thông (thầy cả) người có nhiều năm chủ trì Lễ Cấp sắc chia sẻ: “Ai từng trải qua Lễ Cấp sắc đều thuộc nằm lòng những điều cấm và nguyện, những lời răn đã được thiêng hoá. Dạy con cháu phải nhớ ơn tổ tiên, hiếu kính cha mẹ, sống đoàn kết, gắn bó, bỏ qua những hiềm khích, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng khối đại đoàn kết cộng đồng”.
Trải qua thời gian, phong tục, tín ngưỡng của người Dao đã có nhiều thay đổi, nhưng Lễ Cấp sắc vẫn được duy trì và cọi trọng. Bởi nghi lễ không chỉ mang đậm sắc màu văn hóa tâm linh truyền thống mà trong đó chứa đựng nhiều lễ thức mang ý nghĩa giáo huấn, nhân văn; lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc. Đây là một nét đẹp văn hóa đang được cộng đồng người Dao ở Sìn Hồ, Lai Châu gìn giữ và phát huy.