Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gia trại dưới chân Núi Tháp

PV - 13:29, 29/01/2018

Buổi sáng sớm đầu năm mới 2018, dưới chân Núi Tháp thuộc địa bàn thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu (Ninh Phước, Ninh Thuận) rộn vang tiếng “be be” của đàn dê, cừu. Hàng trăm con cừu trắng muốt được người giúp việc cho gia trại Đàng Ngỗ lùa đi chăn thả dưới tán lá rừng. Chủ của gia trại trên là ông Đàng Ngỗ dân tộc Chăm được nhiều nông hộ địa phương học tập kinh nghiệm làm theo.

Chủ gia trại Đàng Ngỗ ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu. Chủ gia trại Đàng Ngỗ ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu.

 

Trò chuyện với chủ gia trại Đàng Ngỗ, chúng tôi được biết ông xuất thân từ gia đình có nghề chăn nuôi gia súc truyền thống ở làng Hậu Sanh. Đời ba mẹ ông đã từng sở hữu đàn trâu trên 100 con, nhờ nguồn thu nhập từ đàn gia súc đã bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, nuôi dạy con cháu ăn học trưởng thành. Ông Đàng Ngỗ nhớ lại buổi đầu khởi nghiệp chăn nuôi nhờ trúng mùa đậu xanh. Đó là vụ mùa năm 1985, vợ chồng ông gieo 2ha đậu xanh, thời tiết thuận lợi kết hợp chăm sóc chu đáo nên cho thu hoạch trên 3 tấn đậu hạt, trị giá tương đương 15 tấn lúa. Ông bán đậu xanh mua 18 con bò nái phát triển chăn nuôi gia súc.

Từ 18 con bò nái khởi nghiệp được vợ chồng ông chăm sóc chu đáo, chỉ hơn một năm sau đã sinh sản 12 con bê con. Ông giữ lại bê cái nuôi cho sinh sản, bán bê đực cho bà con nông dân đến mua nuôi vỗ béo. Ông tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông huyện Ninh Phước tổ chức và nỗ lực học hỏi phương pháp chữa bệnh cho đàn gia súc thông qua cán bộ thú y.

Dần dần, khi có vốn liếng, ông mở rộng chăn nuôi với nhiều loại gia súc như dê, cừu. Tính đến đầu năm 2018, gia trại ông Đàng Ngỗ có 420 con gia súc; trong đó có 160 con bò, 250 cừu và 60 con dê nái sinh sản, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Ông còn canh tác 2,5ha ruộng lúa; tận thu nguồn rơm từ ruộng lúa và kết hợp trồng 2,5 sào cỏ voi bảo đảm nguồn thức ăn bổ sung cho đàn gia súc...

Đàn cừu nuôi theo mô hình bán thâm canh của gia trại Đàng Ngỗ. Đàn cừu nuôi theo mô hình bán thâm canh của gia trại Đàng Ngỗ.

 

Nhờ nguồn thu nhập từ đàn gia súc trên 300 triệu đồng/năm, gia đình ông xây dựng được nhà ở khang trang và nuôi dạy 4 người con tốt nghiệp đại học. Không chỉ vậy, ông còn tận tình hướng dẫn bà con thôn xóm chăm sóc, nâng cao chất lượng đàn gia súc. Ông đã “sind hóa” đàn bò địa phương có tầm vóc to lớn, ngoại hình đẹp, được thương lái trong vùng ưa thích.

Khi được hỏi về “bí quyết” dẫn đến thành công bền vững trong nghề chăn nuôi gia súc, ông Đàng Ngỗ cười hồn hậu, chia sẻ: “Theo tôi, yếu tố hàng đầu là phải cố gắng tích lũy nguồn vốn tự có của gia đình để đầu tư chăn nuôi gia súc. Thứ hai là phải quản lý chặt chẽ bầy đàn để tránh thất thoát trong quá trình chăn nuôi. Và quan trọng nữa là phải tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cán bộ thú y”.

Ông Trượng Lẻo, Bí thư Chi bộ thôn Hậu Sanh nhận xét: “Gia trại ông Đàng Ngỗ có đàn gia súc thuộc diện hàng đầu ở xã Phước Hữu. Ông luôn nêu gương sáng người đảng viên, gương mẫu đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đồng thời, ông còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ vốn cho bà con họ tộc vươn lên thoát nghèo bền vững”.

SƠN NGỌC

Tin cùng chuyên mục
Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Thăm làng gốm của người Chăm nổi tiếng ở Ninh Thuận

Gốm Bàu Trúc của người Chăm Ninh Thuận mang đặc trưng bởi nhiều nét riêng, từ cách làm cho đến cách nung để có những sản phẩm độc đáo nhất. Do vậy, làng nghề gốm ở Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng bởi những sản phẩm chất lượng, mà còn là điểm đến trải nghiệm ấn tượng với nhiều du khách trong và ngoài nước.