Nói về tập quán canh tác và cuộc sống của người Cơ-tu ở xã Hương Sơn, già làng Hồ Sỹ Thi cho biết, trước đây, phần lớn bà con Cơ-tu sống cuộc đời du canh du cư trên sườn núi dọc các xã biên giới thuộc huyện A Lưới, giáp nước bạn Lào. Cuộc sống tạm bợ nay đây mai đó khiến bao nhiêu năm đồng bào vẫn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Năm 1976, khi rời quân ngũ trở về địa phương, việc đầu tiên cựu chiến binh Hồ Sỹ Thi nghĩ đến là công cuộc vận động bà con dân tộc Cơ-tu trở về xã Hương Sơn định canh, định cư, để phát triển sản xuất, chăn nuôi, ổn định cuộc sống lâu dài.
Nắm bắt được tâm lý chung của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa là “nói suông không tin, có thành quả mới tin”, ông đã vận động các thành viên trong gia đình mình tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp, chăn nuôi. Thời điểm đó, Nhà nước vừa có chính sách phát triển kinh tế rừng, già Thi xung phong nhận đất rừng trồng cây keo và cao su. Song song với việc trồng rừng, ông còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như sắn, dứa... để tận dụng nguồn đất, đảm bảo sự đa dạng nông sản để cung ứng cho thị trường. Những vạt đất thấp có thể đưa được nước tưới về, ông khai hoang để làm ruộng nước. Các vùng đất trũng, ông cải tạo thành ao, hồ để nuôi cá nước ngọt.
Kiên nhẫn kiến tạo vườn đồi từ năm này qua năm khác, đến nay, gia đình già làng Hồ Sỹ Thi đã có 3ha cây keo lai, 3,5ha cao su, 5 sào lúa và 4 hồ nuôi cá. Bình quân mỗi năm, gia đình già thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, già làng Hồ Sỹ Thi luôn tìm cách chia sẻ kinh nghiệm, nguồn vốn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vận động bà con không phá rừng, chặt cây làm nương rẫy, tập trung phát triển trồng cây công nghiệp như: cao su, keo và chăn nuôi, qua đó để có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, nuôi con học hành, biết chữ để sau này về giúp thôn, làng. Noi gương ông, nhiều gia đình tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát được nghèo và đang vươn lên làm giàu. Đến nay, xã Hương Sơn đã có đến 359ha cao su, khoảng 1.000ha rừng keo và nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng dứa, chuối, khai thác mây, lá để làm nón... Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân Hương Sơn đã đạt trên 23 triệu đồng/người/năm.
Là người lính trở về quê hương từ chiến trường đạn bom khốc liệt, già làng Hồ Sỹ Thi luôn ý thức cao với “tinh thần đồng đội” ngay trong cuộc sống đời thường. Trong công tác xã hội, ông luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từng giữ nhiều chức vụ khác nhau trong hệ thống chính quyền địa phương. Hiện tại, ông được bà con dân tộc Cơ-tu suy tôn là già làng-Người có uy tín của thôn Ta Rung, xã Hương Sơn. Ở cương vị nào, già Thi cũng làm việc với lòng tâm huyết, trách nhiệm cao. Ông tích cực, kêu gọi bà con đoàn kết giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, đau ốm, tích lũy để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống; vận động bà con từ bỏ các hủ tục, nạn tảo hôn, không sinh con thứ ba...
Năm 2015, xã Hương Sơn là xã đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế đạt chuẩn nông thôn mới. Có được thành quả này là nhờ sự đóng góp không nhỏ của già làng Hồ Sỹ Thi trong việc vận động bà con Cơ-tu phát triển kinh tế hộ gia đình, tích cực hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới từ trong gia đình ra đến cộng đồng.
Sự đóng góp, cống hiến của già làng Hồ Sỹ Thi đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Ông được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
NGỌC ÁNH