Làng Plei Rơhai 1 có tới 80% đồng bào Ba Na sinh sống. Trước đây, đồng bào Ba Na quen phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống nên năng suất cây trồng thường thấp. Già A Khunh còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nông nghiệp để có cơ hội học hỏi, tiếp cận những mô hình hay của các hộ nông dân trong vùng.
Già A Khunh cho biết: khoảng năm 2008-2009 khi giá lúa giảm, làm ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, ông chuyển đổi 5 sào lúa truyền thống 1 vụ sang giống lúa mới 2 vụ cho năng suất, sản lượng cao. Đồng thời, ông tìm hiểu cách trồng cao su, liên kết với Nông trường cao su Thanh Trung, chuyển đổi hơn 10ha đất rẫy trồng mì kém năng suất sang trồng cao su và chuyển hơn 1ha đất trồng lúa ở chân ruộng cao thường xuyên thiếu nước sang trồng mía.
Nhanh nhạy, mạnh dạn đầu tư và biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, hơn 3 sào lúa nước, hơn 1ha mía và 4ha cao su cho thu hoạch bình quân 130-150 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, già A Khunh còn chia sẻ kinh nghiệm giúp các hộ dân khác trong làng làm theo. Theo gương già Khunh, nhiều hộ dân đồng bào DTTS trong làng Plei Rơhai 1 đã biết áp dụng khoa học, kĩ thuật vào phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Những năm qua, già Khunh cũng luôn tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dặn dò, nhắc nhở bà con bài trừ mê tín dị đoan, nạn tảo hôn, vận động thanh niên trong làng nhập ngũ. Thường xuyên cổ vũ, tham gia các hoạt động, phong trào của thôn, làng. Chăm chỉ học tập, tiếp thu, các chính sách để phát triển kinh tế. Với những đóng góp của mình, già Khunh được tặng nhiều giấy khen của các cấp chính quyền. Mới đây nhất, già Khunh được Chủ tịch UBND TP. Kon Tum tặng Giấy khen đã có thành tích trong việc xây dựng thôn, làng ổn định, vững mạnh.
THÙY DÙNG