Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai: Rộn ràng Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024

Ngọc Thu - 09:13, 16/11/2024

Chiều 15/11, Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 đã khai mạc tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Tham dự có lãnh đạo tỉnh Gia Lai, cùng đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức Ngày hội và hơn 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, thành viên đến từ các địa phương, câu lạc bộ, đội nhóm trong và ngoài tỉnh.

Các nghệ nhân trình diễn khèn, sáo của đồng bào Mông tại Ngày hội
Các nghệ nhân trình diễn khèn, sáo của đồng bào Mông tại Ngày hội

Phát biểu khai mạc, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhận định: Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024). Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa, từ đó có ý thức trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Việt Nam. 

Chương trình được xây dựng theo hướng đổi mới, đa dạng và phong phú, kết hợp hoạt động trình diễn và trải nghiệm các hình thức nghệ thuật, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực... của các dân tộc nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của Nhân dân, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất và người Gia Lai, thu hút du khách đến với phố núi thân yêu.

Các em học sinh trải nghiệm nghề đan lát truyền thống
Các em học sinh trải nghiệm nghề đan lát truyền thống

Tại Chương trình, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận một số hiện vật, gồm: Cờ đỏ sao vàng được Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) tặng Đoàn công tác tỉnh Gia Lai (do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai Vũ Tiến Anh hiến tặng); 5 hiện vật gốm Chăm (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm); 7 chiếc áo dài di sản Minisize (Câu lạc bộ Áo dài Sống Xanh Pleiku).

Đặc sắc làm gốm Chăm
Đặc sắc làm gốm Chăm

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 diễn ra từ ngày 15 - 17/11, với nhiều hoạt động hấp dẫn, sôi nổi, như: Diễn tấu cồng chiêng; hòa tấu nhạc cụ dân tộc; trình diễn khèn, sáo của đồng bào Mông; múa xòe của người Mường; hát then, đàn tính của người Tày, Nùng; múa sạp của người Tày, Thái; nghệ thuật chèo, dân ca quan họ Bắc Ninh của dân tộc Kinh; dân ca, dân vũ của dân tộc Chăm, trình diễn áo dài di sản…

Du khách cũng sẽ được trải nghiệm mặc áo dài, mặc trang phục các dân tộc để chụp ảnh Check-in; được hướng dẫn làm gốm Chăm; nặn tò he, thưởng thức nghệ thuật thư tháp, trà đạo, bút lửa; tham gia các trò chơi dân gian kết hợp với trải nghiệm ẩm thực của các vùng miền trong cả nước.

Dịp này, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm “Tây Nguyên trong hội họa Việt Nam”. Hơn 60 tác phẩm hội họa trong bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được giới thiệu đến người xem thông qua hình thức trưng bày truyền thống và trình chiếu kỹ thuật số.

Triển lãm “Tây Nguyên trong hội họa Việt Nam” với hơn 60 tác phẩm hội họa trong bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Triển lãm “Tây Nguyên trong hội họa Việt Nam” với hơn 60 tác phẩm hội họa trong bộ sưu tập Mỹ thuật hiện đại của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Với nội dung phong phú, hình tượng nghệ thuật giản dị, sinh động, các tác phẩm tại Triển lãm giúp sẽ người xem hiểu thêm về con người và vùng đất Tây Nguyên, từ đó có thể cảm nhận được một phần các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của miền đất đỏ Tây Nguyên thông qua ngôn ngữ đặc trưng của nghệ thuật tạo hình.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.