Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán các nước; đại diện các khu dự trữ sinh quyển trong cả nước. Đại diện cơ quan Ủy ban Dân tộc có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên trình bày diễn văn ôn lại truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Gia Lai. Diễn văn nêu rõ, Gia Lai là vùng đất cổ xưa, trải qua những thăng trầm của lịch sử, Gia Lai đã có nhiều biến đổi, tạo nên sự đa dạng về thành phần, hình thành bản sắc cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Gia Lai. Sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập, chia tách để thành lập các đơn vị hành chính trên vùng Tây Nguyên, ngày 24/5/1932, tỉnh Pleiku được thành lập. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ ngày 12/12/1932.
Đến nay, toàn tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố; 220 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 1,55 triệu người với 44 dân tộc anh em sinh sống. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao tinh thần yêu nước, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, cùng Nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Gia Lai đã từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tích cực hợp tác, kêu gọi đầu tư phát triển. Qua 90 năm đấu tranh, xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân tỉnh Gia Lai đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu đáng trân trọng và tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Để những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của Gia Lai được phát huy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Gia Lai ngày càng phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, không ngừng đổi mới, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, tỉnh Gia Lai tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối Đại đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận giữa các dân tộc...
Về bộ máy chính quyền, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Gia Lai xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì Nhân dân phục vụ; chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Về công tác quy hoạch, Gia Lai cần đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng…
Cùng với đó, Gia Lai cần quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân; tập trung giữ gìn, phát triển và khai thác các giá trị văn hóa bản sắc độc đáo của các dân tộc trong tỉnh. Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai được xác định giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội cần đặt trong sự bảo đảm về quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Thủ tướng cũng tin rằng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ từng bước vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên tất cả các mặt, xứng đáng là một trong những địa phương phát triển bền vững, toàn diện ở Tây Nguyên và cả nước. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn đồng hành, ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Gia Lai phát triển, giàu mạnh.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Gia Lai, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên trân trọng cảm ơn những lời phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng. Đây cũng là niềm vinh dự, nguồn động viên to lớn, định hướng quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn tới. Đồng thời, quán triệt sâu sắc, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả để xây dựng tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp.
Dịp này, Gia Lai vinh dự được đón nhận Bằng chứng nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp Quốc (UNESCO); đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo; Bằng xếp hạng di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá.