Hội nghị được trực tiếp kết nối trực tuyến từ Hội trường 2/9 (Tp. Pleiku) đến 17 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, từ tháng 6/2021 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch để triển khai thực hiện trong toàn ngành. Đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 265 trường mầm non, 206 trường tiểu học, 234 trường THCS và 51 trường THPT với tổng số trên 418.600 học sinh; 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với 1.628 học viên.
Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã triển khai có hiệu quả các dự án, huy động tối đa các nguồn lực, kinh phí đầu tư, xây dựng sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi… bảo đảm các điều kiện tối thiểu thực hiện đạt mục tiêu chương trình giáo dục mầm non. Chất lượng giáo dục tiểu học từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98%; tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia đạt 68,45%. Chất lượng giáo dục đại trà lẫn mũi nhọn bậc trung học được duy trì và từng bước nâng lên…
Tuy nhiên, ngành Giáo dục toàn tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, các phòng học mầm non ở các điểm trường lẻ hầu hết là bán kiên cố, diện tích hẹp, hiện tại còn 61 phòng học nhờ/tạm; thiết bị, đồ dùng tối thiểu dành cho giáo dục mầm non chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định; thiếu giáo viên để huy động trẻ nhà trẻ ra lớp, dạy 2 buổi/ngày. Công tác tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên ở các huyện, thị xã, thành phố cho giáo dục tiểu học còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc, giảm tiết cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm, chính sách cho giáo viên tổng phụ trách đội… còn bất cập.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những khó khăn như: Xét cấp chế độ cho trẻ mẫu giáo theo học tại các trường mầm non; Đối với học sinh DTTS theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải ban hành khung giá, bảng giá cước vận tải hành khách, phương tiện để các trường có căn cứ, chứng từ thanh toán hỗ trợ tiền xe, tàu cho học sinh đồng bào DTTS khi về thăm nhà.
Cùng với đó, nhiều nhà giáo đang công tác tại vùng đặc biệt khó khăn trên 10 năm liên tục và có nguyện vọng được thuyên chuyển về các đơn vị giáo dục gần nhà để thuận lợi cho việc công tác. Ngành chức năng cần có ưu tiên để giải quyết nguyện vọng chính đáng này của viên chức giáo dục; UBND tỉnh Gia Lai có kế hoạch mở lớp đào tạo ngắn (lớp liên thông từ Trung cấp trở lên) cho số giáo viên thường trú trên địa bàn tỉnh để đạt chuẩn theo quy định để tiếp tục hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng viên chức; các cấp, các ngành có biện pháp thu hút giáo viên để họ yên tâm, bám trường, bám lớp, tránh tình trạng trường vùng khó khăn thiếu giáo viên…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho biết: Qua hội nghị này, Thường trực HĐND tỉnh lắng nghe tâm tư, ý kiến, kiến nghị của các thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục về các nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh đến thực trạng cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ…
Trên cơ sở tiếp xúc và đối thoại, Thường trực HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành sẽ trả lời, thông tin ngay tại hội nghị đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Riêng những ý kiến, kiến nghị cần nghiên cứu hoặc tham mưu với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông tin lại cho các đại biểu trong thời gian sớm nhất.