Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai: Glar - Điểm sáng trong phong trào thể dục thể thao

Thùy Dung - 10:00, 01/12/2020

Song song với việc chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo, phong trào thể dục thể thao (TDTT) quần chúng của người dân xã Glar, huyện Đăk Đoa (Gia Lai) cũng được duy trì qua hàng chục năm nay. Qua đó, góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Mặc cho trời mưa đội bóng của các làng (xã Glar) vẫn ra sân thi đấu và thu hút được rất nhiều người dân làng đến xem bóng
Mặc cho trời mưa đội bóng của các làng (xã Glar) vẫn ra sân thi đấu và thu hút được rất nhiều người dân làng đến xem bóng

Chúng tôi về thăm xã Glar khi người dân trên địa bàn xã đang nối chân nhau về sân bóng của làng Dôr 1 để xem trận bóng đá bán kết do Hội Thánh thuộc nhà thờ Plei Dôr (xã Glar) tổ chức. Anh Pêm (làng Dôr 2), Trưởng ban Thanh niên nhà thờ Plei Dôr cho biết: “Tuy thời tiết có mưa nhưng từ rất sớm, đội bóng đã có mặt để tập luyện. Dân các làng cũng đi cổ vũ rất đông”.

Chị Hồ Thị Duyên, công chức văn hóa - xã hội xã Glar cho biết: Xã hiện có 9 thôn, làng với 97% là người Ba Na. Toàn xã có 10 sân bóng đá của làng, 2 sân cỏ nhân tạo, 18 sân bóng chuyền và 4 sân bóng chuyền đổ bê tông do người dân đóng góp kinh phí để làm. Hầu hết, người dân trên địa bàn xã đều tham gia thể thao, độ tuổi nào cũng có, kể cả phụ nữ. Cứ sau một ngày làm việc là dân làng lại tập trung về sân bóng để giao lưu, thi đấu. Đặc biệt, đã hơn 26 năm nay, kể từ khi có giải bóng đá truyền thống do huyện Đăk Đoa tổ chức, thì có đến 2/3 giải là của Glar”.

Không chỉ mạnh trong các lĩnh vực bóng đá, bóng chuyền, người Ba Na ở xã Glar cũng thường xuyên duy trì các bộ môn thể thao truyền thống như: Điền kinh, đẩy gậy, cà kheo, bắn nỏ… Các bộ môn truyền thống này chủ yếu thường được tổ chức vào các ngày đại hội, giải thể thao của các làng, xã trên địa bàn huyện Đăk Đoa với nhau.

Anh Nglưu (30 tuổi, làng Dôr 1) cho biết: Nhân dân các làng trên địa bàn xã Glar hầu hết ai cũng yêu thích thể thao, đặc biệt ở các bộ môn bóng chuyền, bóng đá. Các thế hệ nhỏ thì sẽ có đội bóng nhỏ, thế hệ lớn hơn sẽ có đội bóng lớn để phù hợp với lứa tuổi và ai cũng được tham gia vào các hoạt động thể thao của làng mình, kể cả phụ nữ. Các chiến thuật đá, đi bóng sẽ do các lớp đàn anh truyền dạy lại và duy trì cho đến nay.

Theo đó, để giúp người dân ở xã Glar duy trì phong trào TDTT, hằng năm UBND xã Glar sẽ tổ chức định kỳ 2 giải, 1 giải bóng đá, 1 giải bóng chuyền. Nhà thờ Plei Dôr tổ chức 1 giải lớn để chuẩn bị cho lễ Noel gồm các hoạt động như kéo co, bóng đá, bóng chuyền và các trò chơi dân gian. Ngoài ra các cấp hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Hội Nông dân… cũng tổ chức thêm các giải đấu cho người dân nhằm khích lệ tinh thần TDTT và gắn kết dân làng.

Từ truyền thống qua hàng chục năm và sự nỗ lực duy trì, cho đến nay đội bóng của xã Glar đã đạt được nhiều thành tựu và được đông đảo người dân trên địa bàn biết đến. Đặc biệt trong số đó có rất nhiều cầu thủ đã được chiêu mộ để tham gia các giải đấu trong và ngoài tỉnh.

Chị Hồ Thị Duyên cho biết thêm: “Nhiều năm qua, cùng với sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực vươn lên mà đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Nhờ vậy cũng kéo theo sự phát triển trong đời sống tinh thần, đặc biệt là giữ gìn văn hóa và tham gia các hoạt động TDTT nhằm góp phần hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Từ các phong trào TDTT đã góp phần tạo sự đoàn kết cho dân làng đồng thời nâng cao chất lượng sức khỏe của người dân. 

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.