Những vụ tai nạn thương tâm
Người dân Tp. Pleiku vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến vụ TNGT xảy ra vào trưa 11/9/2022, tại khu vực ngã tư đường Nguyễn Tuân - Lê Duẩn (Quốc lộ 19) thuộc phường Thắng Lợi đã cướp đi sinh mạng của 3 anh em cùng một nhà. Cụ thể, Ksor D. (SN 2009 điều khiển), chở sau 2 em trai là Ksor G. (SN 2011) và Ksor N. (SN 2015), đều trú tại làng Choét Ngol, xã Chư Á, Tp. Pleiku lưu thông trên đường Lê Duẩn rẽ trái qua đường Nguyễn Tuân. Lúc ấy, xe ô tô vừa lao tới tông thẳng vào xe mô tô của Ksor D.. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 3 em nhỏ đang ở độ tuổi học sinh.
Tương tự, vụ TNGT xảy ra ngày 12/3/2022 trên địa bàn huyện Chư Pưh, em H.G.P. (SN 2007, học sinh lớp 9), điều khiển xe máy chở theo bạn cùng lớp lưu thông trên Đường Hồ Chí Minh theo hướng Gia Lai - Đắk Lắk đã đâm vào ô tô chạy cùng chiều khiến người bạn thân trong lớp tử vong. Hay vụ TNGT vào ngày 1/11/2022, xảy ra trên địa bàn huyện Đức Cơ: 2 học sinh cùng sinh năm 2007, điều khiển mô tô dừng sau ô tô, sau đó ô tô lùi, va chạm dẫn đến 2 em học sinh tử vong…
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai, qua các vụ tai nạn này cho thấy, vi phạm rõ nhất là các em chưa đủ tuổi điều khiển mô tô và trường hợp thiếu kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn, điều khiển xe dừng sau ô tô - đây chính là “điểm mù”, khoảng không gian bị che khuất, người lái xe ô tô không thể quan sát hay nhìn qua gương chiếu hậu khi ngồi bên trong điều khiển phương tiện, gây TNGT thương tâm.
Trang bị kỹ năng cho học sinhTại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kbang, những buổi chào cờ đầu tuần hay những tiết học ngoại khóa luôn xuất hiện hình ảnh của lực lượng Công an. Tại đây, lực lượng Công an huyện không chỉ tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, mà còn hướng tới trang bị cho các em học sinh các kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn; từng bước hình thành và xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn và kỷ cương.
Em Đinh Thị Gái (Lớp 9A, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kbang) bày tỏ: “Thời gian gần đây, qua các buổi tuyên truyền ATGT, em đã có thêm nhiều kỹ năng về điều khiển xe, không lạng lách đánh võng, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Những ngày nghỉ học, em về làng cũng tuyên truyền, khuyên nhủ các bạn tuân thủ pháp luật để đảm bảo tính mạng và tài sản của mình”.
Kbang là huyện vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào DTTS sinh sống. Thời gian qua, nhờ đổi mới, linh hoạt trong công tác tuyên truyền nên ttình hình trật tự ATGT trong vùng đồng bào DTTS đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, TNGT liên quan đến trẻ em DTTS đã được kéo giảm đáng kể. Nhờ vậy, trong năm 2022, huyện Kbang có tỷ lệ TNGT giảm sâu so với nhiều địa phương của tỉnh.
Thượng tá Trần Đăng Khoa - Phó Trưởng Công an huyện Kbang, cho biết: Công an huyện đã chỉ đạo Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, trường học và tranh thủ già làng, Người có uy tín để tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân, đồng bào DTTS; Công an các xã, thị trấn tập trung rà soát, tiến hành gọi hỏi răn đe cá biệt đối với những thanh - thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT, yêu cầu ký cam kết không tái phạm.
Lực lượng Công an các xã, thị trấn cũng phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền và cho các bậc phụ huynh ký cam kết không giao xe cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; tích cực hỗ trợ các trung tâm sát hạch lái xe để đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người DTTS, đặc biệt là những người không biết đọc, viết tiếng Việt…
Còn tại Trường PTDT Nội trú tỉnh Gia Lai, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã triển khai chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh và lớp tập huấn dành cho giáo viên. Hơn 400 học sinh được truyền đạt các nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, quy định xử phạt vi phạm pháp luật giao thông thường xảy ra đối với học sinh; hậu quả và hệ lụy của TNGT tác động đến đời sống, sức khỏe, học tập; hướng dẫn các biện pháp tham gia giao thông an toàn, văn hóa tham gia giao thông, biện pháp phòng ngừa TNGT liên quan đến học sinh…
Thầy Hoàng Bình Châu - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú tỉnh Gia Lai, nhận định: “Chương trình ngoại khóa đã giúp học sinh hiểu biết sâu rộng các quy định của Luật Giao thông đường bộ, nâng cao kỹ năng lái xe an toàn. Đồng thời, khi về với gia đình, nơi sinh sống, mỗi em còn là một tuyên truyền viên tích cực góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật về ATGT, từ đó góp phần phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ TNGT”.
Nhân rộng chương trình điểm này, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh các trường THPT: Phan Bội Châu (Tp. Pleiku), Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa) và Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông).
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai tiếp tục chủ động triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh và tập huấn cho giáo viên.
Ông Võ Ngọc Quảng - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, thông tin: Việc tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đều hướng đến trang bị kiến thức, kỹ năng và truyền đạt trọng tâm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng; chú trọng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để các em học sinh đến trường an toàn khi tham gia giao thông.
Để tiếp tục phấn đấu kéo giảm TNGT trong thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Trong đó, công tác tuyên truyền cần sát với thực tế cuộc sống, phong tục tập quán để người dân dễ nắm bắt.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên kết hợp giữa tuyên truyền, vận động với xây dựng điển hình tiên tiến, đặc biệt là các già làng, Người có uy tín tại địa phương để kịp thời động viên, khen thưởng. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông, nghiệp vụ nắm tình hình, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ tuyên truyền viên để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, trong năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 337 vụ TNGT, làm chết 242 người, bị thương 265 người. So với năm 2021, tăng 10,79% về số vụ, tăng 15,79% số tử vong và tăng 3,92% số người bị thương. Đặc biệt, tính từ năm 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 64 vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện dưới 16 tuổi, làm chết 22 người, 53 người bị thương. Trong đó, 70% số vụ liên quan đến độ tuổi trẻ em là người DTTS.