“Đi từng ngõ, gõ từng nhà” thu thập thông tin
Huyện biên giới Đức Cơ là nơi có tỷ lệ đồng bào DTTS Gia Rai chiếm gần 30% so với dân số toàn huyện. Trong đợt điều tra, thu thập thông tin lần này có 34 địa bàn thực hiện điều tra Phiếu hộ.
Bên cạnh sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, còn có sự phối hợp với già làng, Người có uy tín để vận động bà con cung cấp thông tin đúng, chính xác, làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng. Đến nay, huyện Đức Cơ đã hoàn thành gần 40% chỉ tiêu đề ra.
Bà Rơ Lan Hop (làng Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), cho biết: “Qua tuyên truyền, giải thích, biết được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra nên tôi sẵn sàng cung cấp mọi thông tin theo yêu cầu”.
Còn tại huyện Mang Yang - địa phương có đồng bào Ba Na sinh sống. Nơi đây có 38 địa bàn thực hiện điều tra Phiếu hộ phân bổ đều trên 12 xã, thị trấn.
Để người dân phối hợp, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê khu vực Mang Yang - Đak Đoa Trần Thành thông tin: Chi Cục Thống kê đã hướng dẫn các xã thực hiện công tác tuyên truyền điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024; phát nội dung hỏi - đáp bằng MP3 về cuộc điều tra trên hệ thống loa phát thanh xã; báo cáo tiến độ điều tra trong các buổi giao ban của lãnh đạo xã; treo, dán panô, áp phích tại các nơi công cộng, cổng trụ sở UBND xã, các trục đường giao thông chính; lồng ghép nội dung cuộc điều tra tại các cuộc họp của cộng đồng dân cư thôn, làng… Đến nay, đơn vị đã hoàn thành được gần 50% chỉ tiêu đề ra.
Tăng cường giám sát
Gia Lai có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm gần 46% dân số, trong đó, chủ yếu là dân tộc Gia Rai và Ba Na. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, một bộ phận đồng bào DTTS không nhớ rõ được ngày, tháng, năm sinh của các thành viên; chưa thành thạo tiếng phổ thông… Đây là khó khăn cho công tác điều tra, thu thập thông tin của hộ. Vì vậy, Cục Thống kê tỉnh Gia Lai đã quan tâm, chú trọng tuyển chọn Điều tra viên, Tổ trưởng điều tra và Giám sát viên theo đúng tiêu chuẩn. Đó là những người có tinh thần, trách nhiệm, am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào và địa bàn được phân công thực hiện điều tra.
Đồng thời, Cục Thống kê tỉnh Gia Lai tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến dưới nhiều hình thức phong phú; lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác thu thập thông tin tại địa bàn xuyên suốt thời gian điều tra; Giám sát viên cấp tỉnh và huyện thực hiện công tác kiểm tra, giám sát bằng 2 hình thức: trực tuyến (giám sát, kiểm tra trên chương trình Web điều tra) và trực tiếp (giám sát, kiểm tra tại thực địa).
Chị Rơ Ma H’De (Điều tra viên xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) cho biết: “Tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ điều tra do Cục Thống kê tỉnh tổ chức, tôi được trang bị đầy đủ kiến thức nghiệp vụ điều tra cũng như sử dụng thành thạo phần mềm CAPI để thực hiện nhiệm vụ được phân công, đảm bảo đúng yêu cầu phương án điều tra quy định. Để công việc được thuận lợi hơn, tôi sử dụng cả tiếng phổ thông và tiếng Gia Rai để bà con dễ hiểu và thông tin chuẩn xác nhất”.
Ông Trần Quang Minh - Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh Gia Lai thông tin: Việc thu thập thông tin tại hộ rất quan trọng, là vấn đề quyết định chất lượng thông tin. Vì thế, Cục Thống kê tỉnh và các huyện, thị, thành phố tổ chức giám sát thường xuyên, nhất là những ngày đầu tiên của cuộc điều tra để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho Điều tra viên thu thập thông tin một cách chính xác. Cùng với đó, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tăng cường chỉ đạo toàn ngành Thống kê Gia Lai, quyết tâm hoàn thành công tác điều tra, thu thập thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của 53 DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai đúng thời gian quy định.
Mới đây, Đoàn giám sát của Tổng Cục Thống kê do ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại hai huyện Đức Cơ và Mang Yang nhằm chỉ đạo, giám sát thực hiện nội dung của Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Qua quá trình giám sát thực tế, Đoàn đã làm việc với Cục Thống kê tỉnh nhằm rút kinh nghiệm và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo trong điều tra. Đồng thời, nêu một số điểm cần lưu ý cho Điều tra viên nhằm triển khai thực hiện cuộc điều tra đạt kết quả và chất lượng tốt nhất.
Phó Tổng cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh: Việc điều tra DTTS năm 2024 cung cấp thông tin toàn diện về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, an ninh nông thôn vùng DTTS... Những dữ liệu này rất quan trọng để hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác DTTS cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng. Qua đó, phục vụ đắc lực cho đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng, hoạch định chính sách phát triển giai đoạn 2026 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo.
Tỉnh Gia Lai hiện có 624 địa bàn thực hiện điều tra Phiếu hộ; 191 xã, phường, thị trấn thực hiện điều tra Phiếu xã. Toàn tỉnh đã trưng tập 89 Giám sát viên (cấp tỉnh, huyện), 191 Tổ trưởng điều tra và 684 Điều tra viên. Tính đến thời điểm ngày 16/7, các Điều tra viên đã thu thập thông tin của 8.219/19.859 hộ, tương đương gần 41,4%.