Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gia Lai: Đau lòng liên tục những vụ việc trẻ em bị đuối nước

Ngọc Thu - 10:22, 17/04/2023

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tục xảy ra những vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Tìm giải pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng đuối nước ở trẻ em là vấn đề cần được cả xã hội, cộng đồng chung tay, góp sức...

Một tiết học bơi, nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah)
Một tiết học bơi, nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah)

Nhiều vụ việc đau lòng 

Cho đến nay, gia đình và dân làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka (huyện Chư Păh) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót cho 2 em nhỏ là Rơ Châm D. (sinh năm 2015) và Siu T. N. (sinh năm 2015) đang độ tuổi thiếu niên đã bị tử vong do đuối nước. Người nhà 2 em kể lại, chiều 10/4, trong khi đi thăm ruộng lúa ở cánh đồng làng Ia Yao, người dân ở xã Ia Ka phát hiện thi thể 2 em nhỏ nổi trên một vũng nước gần đó, người dân đã thông báo cho gia đình nạn nhân và cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Trước đó, chiều ngày 8/4, tại xã Sơ Pai (huyện Kbang), có 6 em nhỏ đã rủ nhau đến ao cá ở làng Tơ Kơr để tắm. Trong lúc tắm, không may 2 em H.V.T. (sinh năm 2014), N.V.B. (sinh năm 2015) cùng học lớp 2 Trường Tiểu học và THCS Sơ Pai bị đuối nước và tử vong.

Gia đình lo hậu sự cho 3 cháu bé Gia Rai cùng trú tại buôn Tơ Nia (huyện Krông Pa) bị đuối nước thương tâm trong lúc lấy nước ở sông Ba
Gia đình lo hậu sự cho 3 cháu bé người Gia Rai cùng trú tại buôn Tơ Nia (huyện Krông Pa) bị đuối nước thương tâm trong lúc lấy nước ở sông Ba

Đau lòng hơn, vụ việc 3 cháu bé cùng trú tại buôn Tơ Nia, xã Chư Gu (huyện Krông Pa) bị đuối nước thương tâm trong lúc đi lấy nước ở sông Ba. Cụ thể, đầu giờ chiều ngày 3/3, các cháu Ksor H. (sinh năm 2009), Ksor P. (sinh năm 2013) và Ksor T. (sinh năm 2013) đi lấy nước và tắm khu vực Trạm bơm sông Ba.

Chiều cùng ngày, bố của cháu P. không thấy con ở nhà đã ra sông Ba tìm, phát hiện P. và 2 cháu trên đã chết đuối tại khu vực trạm bơm nước cũ (không còn hoạt động) trên sông Ba.

Ông Ksor Nhối, Chủ tịch UBND xã Chư Gu, cho biết: Gia đình cả 3 cháu đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Ngay khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương cùng dân làng đã hỗ trợ trục vớt, đưa thi thể 3 cháu về để gia đình lo hậu sự. Đồng thời, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ, chia sẻ mất mát với các gia đình.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 59 vụ tai nạn đuối nước làm tử vong 60 em. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có 10 vụ đuối nước làm tử vong 17 trẻ. Các huyện có nhiều trẻ em bị tử vong do đuối nước gồm: Huyện Chư Prông xảy ra 2 vụ làm 4 em tử vong, Krông Pa 1 vụ làm 3 em tử vong; Kbang có 3 vụ làm 4 em tử vong. 

Những cái chết đau lòng trên đang tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động, đòi hỏi các cấp, ngành, cơ sở giáo dục và ngay trong mỗi gia đình, cá nhân trong việc cần đặc biệt quan tâm, có biện pháp phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Cần sự vào cuộc của gia đình và xã hội

Qua tìm hiểu, được biết các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tích cực tham mưu, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn xảy ra ở một số địa phương.

Hầu hết nguyên nhân, là do một số cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự quan tâm nhắc nhở, giám sát và ý thức được môi trường sống an toàn cho trẻ em. Nhiều chủ ao, hồ, hố đào để tưới cà phê, tiêu… còn thiếu trách nhiệm, chủ quan không làm rào chắn ở khu vực nguy hiểm hoặc không làm biển cảnh báo nguy hiểm, điều đó tiềm ẩn nguy cơ cao đuối nước cho trẻ em. 

Bên cạnh đó, đa số trẻ em không biết bơi và chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; các địa phương thiếu khu vui chơi, sân chơi cho trẻ em ở cộng đồng nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn nên vào thời gian rảnh rỗi, ngoài giờ học đặc biệt là vào thời điểm trước kỳ nghỉ hè, trẻ em hay cùng bạn bè chơi đùa những khu vực có sông, suối, ao hồ sâu...

Sông, suối, ao hồ nước sâu là những nơi có tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em
Sông, suối, ao hồ nước sâu là những nơi có tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em

Ông Phạm Trần Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: Sở đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em, cảnh báo về các nguy cơ gây tử vong do đuối nước cho trẻ em. 

Đặc biệt, tăng cường hơn công tác truyền thông về nội dung này trong các trường học. Tuyên truyền, vận động các gia đình, bố, mẹ, ông, bà, người thân không được chủ quan, lơ là, mà phải thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là vào mùa Hè, thời tiết nắng nóng và vào mùa mưa bão; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 

"Ngoài ra, chính quyền các cấp, nhất là thôn, làng, tổ dân phố cần tăng cường truyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho người dân và trẻ em trên phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống loa phát thanh của địa phương", ông Phạm Trần Anh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý thêm.

Các trường học cần tăng cường dạy bơi cho học sinh nhằm chủ động phòng, chống đuối nước
Tăng cường dạy bơi cho học sinh trong các trường học là một trong những giải pháp để hạn chế đuối nước trong trẻ em

Bên cạnh đó, các địa phương thống kê và yêu cầu các chủ hồ đập, hộ gia đình làm bản cam kết thực hiện việc rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm nguy cơ gây đuối nước và chịu trách nhiệm khi trẻ em bị đuối nước do ao, hồ, hố, đập... do mình quản lý. 

Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn kinh phí; huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng các bể bơi, lắp đặt bể bơi thông minh tổ chức dạy bơi cho trẻ em nhằm tăng số trẻ em biết bơi.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực thực hiện các giải pháp của cơ quan chức năng, thì cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cho trẻ cách phòng ngừa, xử lý, nhận biết những nơi nguy hiểm để phòng tránh, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng, đảm bảo cho trẻ có môi trường sống lành mạnh và an toàn.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.