Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gia Lai: Cảnh báo tình trạng buôn bán, chế tạo pháo nổ trong học sinh

Ngọc Thu - 07:51, 07/01/2024

Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tự mày mò, tìm hiểu trên mạng internet, mạng xã hội… để mua bán, chế tạo pháo nổ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường đến tính mạng, sức khỏe của người dân và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Công an phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, kịp thời ngăn chặn nhiều học sinh mua chất chế tạo pháo nổ trái phép (Ảnh: Công an thị xã Ayun Pa)
Công an phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, kịp thời ngăn chặn nhiều học sinh mua chất chế tạo pháo nổ trái phép (Ảnh: Công an thị xã Ayun Pa)

Tự chế tạo pháo nổ 

Qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện hoạt động mua tiền chất thuốc nổ trên không gian mạng của một số học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai để chế tạo pháo nổ trái phép. Đây là hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, an toàn cần phải khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Mới đây, Công an phường Đoàn Kết (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp học sinh chế tạo pháo nổ để bán với số lượng lớn.

Cụ thể, ngày 31/12/2023, Công an phường Đoàn Kết đã phát hiện, bắt quả tang 2 học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ là N.P.Q. (SN 2011) và H.C.D. (SN 2012, cùng trú tại phường Sông Bờ) đang mang 0,2 kg hỗn hợp tiền chất pháo nổ đi bán. Tại cơ quan Công an, cả 2 khai nhận đã mua số hỗn hợp trên của 1 thiếu niên vừa nghỉ học là em N.Đ.H. (SN 2009, trú tại phường Đoàn Kết) để bán lại kiếm lời.

Các loại pháo nổ được thanh thiếu niên học cách chế tạo trên mạng gây nguy hiểm cho chính người chế tạo và người sử dụng (Ảnh: Công an thị xã Ayun Pa)
Các loại pháo nổ được thanh thiếu niên học cách chế tạo trên mạng gây nguy hiểm cho chính người chế tạo và người sử dụng (Ảnh: Công an thị xã Ayun Pa)

Từ đầu mối này, Công an phường Đoàn Kết đã làm việc và thu giữ trong phòng riêng của H. 17 quả pháo nổ hình trụ, 45 ống làm từ giấy học sinh có hình quả pháo và 2 kg tiền chất Kaliclorat, Natri, lưu huỳnh, bột than cùng một số vật dụng để chế tạo pháo nổ. Các ống hình trụ có chiều dài 5 - 25 cm, đường kính 2 - 5 cm. Trong số này, em đã đốt thử nghiệm 1 quả, bán cho một số học sinh 5 quả và còn lại 17 quả. Ngoài bán pháo đã chế tạo sẵn, H. còn bán lại thuốc pháo cho các em học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ. Ngoài ra, còn có các em N.G.T. (SN 2012, trú tại phường Đoàn Kết), em P.N.T.N. (SN 2010), em P.T.K. (SN 2011, cùng trú tại phường Hòa Bình) đã mua thuốc pháo từ H. về để chế tạo pháo nổ.

Tại cơ quan Công an, H. khai nhận: Từ tháng 10/2023 đã lên mạng internet đặt mua các nguyên liệu chế tạo pháo nổ. Sau đó, vào ứng dụng YouTube để học cách chế tạo pháo nổ và đã chế tạo thành công 23 quả pháo. Hiện lực lượng Công an đã lập hồ sơ xử lý, đồng thời bàn giao các em cho gia đình để quản lý, cam kết không tái phạm.

Tương tự, ngày 25/12/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai phối hợp Công an huyện Chư Sê phát hiện, xử lý 2 học sinh (tại một trường THCS trên địa bàn huyện Chư Sê) đã mua tiền chất thuốc nổ để chế tạo pháo nổ. Cơ quan Công an đã thu giữ 1 kilogam tiền chất thuốc nổ, 50 gam thuốc pháo nổ (chưa rõ chủng loại), 89 vỏ pháo bằng giấy tự chế, 43 vỏ pháo bi bằng nhựa và nhiều nguyên liệu, dụng cụ khác nhau dùng để chế tạo pháo nổ.

Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế

Nói về tình trạng chế tạo pháo nổ trong học sinh, Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, Phó Trưởng Công an phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa cho hay: Việc đấu tranh với hành vi này tương đối khó khăn vì các em đều mua thuốc pháo qua mạng để chế tạo pháo. Các em cũng dễ dàng tìm được trên mạng hướng dẫn chế tạo pháo. Hành vi này cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của chính các em và những người xung quanh. Các em đã chế tạo những quả pháo kích cỡ khá lớn, nếu chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể xảy ra tai nạn. Đã có không ít vụ việc cháy, nổ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do học sinh chế tạo pháo nổ gây ra nhưng các em vẫn tò mò, hiếu động làm theo, nhất là trong dịp Tết.

Theo Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, để xảy ra tình trạng này một phần do sự lơ là của phụ huynh khi giao điện thoại cho con em sử dụng quá sớm nhưng không có sự kiểm soát. Các em đã vô tư thành lập các nhóm kín để trao đổi, mua bán nguyên liệu và chế tạo pháo nổ ngay trong căn nhà của mình nhưng phụ huynh không hề hay biết. Khi lực lượng Công an phát hiện thì phụ huynh mới bàng hoàng và sững sờ trước mối nguy hiểm cận kề.

Hiện nay, công thức chế tạo pháo hiện nay được chia sẻ nhiều trên mạng, tuy nhiên người chơi thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng. Pháo tự chế có thành phần hóa học rất đa dạng và dễ dàng mua ở các cửa hàng bán hóa. Đa số người chế tạo pháo đều tiếp xúc gần, trong khi đó các chất chế tạo pháo có thể gây cháy nổ và gây ra tai nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vì vậy, hoạt động mua tiền chất thuốc nổ trên không gian mạng và chế tạo pháo nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.

Tang vật dùng để chế tạo pháo nổ bị thu giữ của học sinh trên địa bàn huyện Chư Sê (Ảnh: Công an huyện Chư Sê)
Tang vật dùng để chế tạo pháo nổ bị thu giữ của học sinh trên địa bàn huyện Chư Sê (Ảnh: Công an huyện Chư Sê)

Trung tá Đào Hà Quân, Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê cho biết: Hiện nay, Công an huyện Chư Sê sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn để đấu tranh quyết liệt với các hành vi vi phạm về pháo nổ. Khuyến cáo người dân cần chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không được tàng trữ, mua bán các loại hàng cấm, đặc biệt, các hành vi liên quan đến pháo nổ. Bên cạnh đó, phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo để truyên truyền trong các trường học và phụ huynh, giáo dục, quản lý học sinh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động chế tạo pháo nổ trái phép, tránh để lại hậu quả, thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của pháo nổ đến Nhân dân biết, đặc biệt là trong các làng đồng bào DTTS, các trường học để đảm bảo an toàn cho Nhân dân vui Xuân đón Tết.

Những vụ việc chế tạo pháo nổ trong học sinh rất may đã được lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời, chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng đây là bài học lớn cho các em và phụ huynh vì hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nguy hiểm, có thể bị xử lý hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì phụ huynh cần quản lý con em tốt hơn ngay cả trên không gian mạng, tạo cho các em môi trường lành mạnh, đảm bảo an toàn cho các em và cả xã hội.