Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ghi ở Nguyên Bình

Minh Thu - 19:34, 14/09/2024

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.

Người dân Nguyên Bình đang sống trong những ngày vô cùng gian khó.
Người dân Nguyên Bình đang sống trong những ngày vô cùng gian khó

Đêm định mệnh

Ẵm đứa con nhỏ mới 15 ngày tuổi bên giường bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình, chị Đặng Dào Quyên, 25 tuổi, ngụ xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình vẫn còn thảng thốt khi nhớ lại đêm định mệnh 8/9, rạng sáng ngày 09/9/2024: “Cả nhà em đang ngủ thì nghe ầm một tiếng, em và chồng chỉ kịp bật dậy ôm đứa con nhỏ đang ngủ và kịp dắt thêm đứa con gái lớn chạy thoát ra ngoài. Ngoảnh lại đã thấy căn nhà bị ngọn đồi sụp xuống đè mất. Vậy là chồng em bế con nhỏ, em dắt theo con gái lớn chạy thục mạng lên Trạm Y tế xã. Chúng em được chị Lý Mùi Piên ở Trạm Y tế xã Yên Lạc cấp cứu kịp thời”.

Sau gần 6 ngày điều trị, vết thương ngoài da của Đặng Dào Quyên và chồng là Triệu Mùi Diết, bị chấn thương nhẹ vùng đầu đã có nhiều tiến triển tích cực. Nhưng vết thương lòng thì còn hằn rõ trong cả gia đình nhỏ này khi cả bố, mẹ và ông nội đã thiệt mạng trong trận lở đất kinh hoàng do ảnh hưởng của bão số 3.

“Từ hôm vào viện đến nay, em cũng chưa thể về lại nhà để thắp nén hương cho bố mẹ và ông. Phần vì phải điều trị, phần nữa là cũng không còn nhà để về” - Diết chia sẻ.

Hai vợ chồng Đặng Dào Quyên và Triệu Mùi Diết cùng con nhỏ 15 ngày tuổi đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình.
Hai vợ chồng Đặng Dào Quyên và Triệu Mùi Diết cùng con nhỏ 15 ngày tuổi đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình

Khi Đoàn công tác Trung ương lên thăm, hỗ trợ, Triệu Mùi Diết vẫn khảng khái: Từ hôm ở viện đến nay, chúng em đã được nhiều người hỏi thăm, chia sẻ và hỗ trợ nên xin dành phần hỗ trợ này cho người khác. Vợ chồng em còn sống là đã quá may mắn rồi. Em thấy ở quê thiệt hạị nhiều quá. Nhưng vẫn phải gượng sống, còn phải lo cho vợ con nữa!” - Diết cho biết.

Tại xã Vũ Nông, hàng ngàn khối đất đá ở núi Lũng Nọi bất ngờ đổ ập xuống, cuốn sập căn nhà bà Bàn Mùi Chẹ, nằm ngay phía bên kia quốc lộ 34 lúc rạng sáng ngày 9/9. Sự việc quá bất ngờ khiến cả 5 người trong gia đình bà Chẹ đều bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Sau ít phút vật lộn, bà Chẹ cùng vợ chồng người con thoát được ra ngoài. Tuy nhiên, cháu nội bà Chẹ là T.C.C (SN 2020) bị kẹt trong đống đổ nát, mọi người không thể tìm thấy.

Nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Vũ Nông lập tức đến hiện trường tìm kiếm. Sau khoảng 30 phút đào bới trong đống đổ nát, lực lượng chức năng đã tìm thấy cháu C. và đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong sau đó.

“Mất hết rồi. Cháu mất, nhà sập, tôi không còn gì cả. Không biết ngày mai sống ra sao” - bà Chẹ mếu máo.

 Căn nhà bà Bàn Mùi Chẹ nằm bên kia quốc lộ 34 bị đất đá trên núi Lũng Nọi cuốn đổ sập hoàn toàn.
Căn nhà bà Bàn Mùi Chẹ nằm bên kia quốc lộ 34 bị đất đá trên núi Lũng Nọi cuốn đổ sập hoàn toàn

Trong thảm kịch thiên tai ở Cao Bằng, ngoài gia đình Triệu Mùi Diết, gia đình bà Bàn Mùi Chẹ, đã có những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần như trường hợp anh Nguyễn Đức Thịnh, ở thị trấn Nguyên Bình. Theo chia sẻ của anh Thịnh, chiều 7/9, anh đi đám cưới ở xã Ca Thành đến tối thì bắt xe khách để về thị trấn Nguyên Bình, cách đó khoảng gần 30km.

Xe đi mới được một đoạn thì gặp một điểm sạt lở nên dừng lại chờ thông đường. Đi thêm khoảng 1km thì lại tắc điểm thứ 2. Lúc này, cùng với chiếc xe khách, một hàng dài xe cũng đang chờ thông đường. Thấy xe nằm giữa 2 vị trí sạt lở, nhận thức được sự nguy hiểm, gần nửa đêm, anh Thịnh cùng một người quen trên xe đã rủ nhau tự đi bộ về thị trấn Nguyên Bình. Trên đường đi, hai người may mắn gặp được một chiếc xe container và xin đi nhờ về nhà. Sáng hôm sau, biết tin chiếc xe mình từng đi đã bị lũ cuốn trôi, anh Thịnh rụng rời chân tay.

“Đến bây giờ tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, thấy mình may mắn nhưng cũng thương cảm cho những người xấu số” - anh Thịnh buồn rầu.

Trong vụ sạt lở do cơn bão số 3 tại xã Ca Thành, qua rà soát, lực lượng chức năng xác định có 4 người may mắn thoát nạn vì đặt xe nhưng không đi. Còn anh Nông Văn Ngọc, ngụ xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình là hành khách trên xe bị cuốn trôi nhưng đã được tìm thấy tại hiện trường không lâu sau đó, bị chấn thương sọ não, hiện đang được điều trị tích cực. Cùng với đó, chị Nguyễn Thị Én, người dân thị trấn Tĩnh Túc, là người đã đi trên chiếc đi xe con trong rạng sáng 9/9 cũng thoát nạn vì xuống xe đi vệ sinh chỉ hai ba phút trước khi xảy ra vụ sạt lở…

Gần 6 ngày qua, lực lượng chức năng với hàng trăm người thay nhau sử dụng các thiết bị chuyên nghiệp để trục vớt chiếc xe khách ra khỏi dòng suối Khuổi Ngọa. Đây là chiếc xe khách trên đường đi từ huyện Bảo Lâm về TP. Cao Bằng. Khi đi đến xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình thì bị đất đá trên núi sạt lở cuốn phăng xuống suối.
Gần 6 ngày qua, lực lượng chức năng với hàng trăm người thay nhau sử dụng các thiết bị chuyên nghiệp để trục vớt chiếc xe khách ra khỏi dòng suối Khuổi Ngọa. Đây là chiếc xe khách trên đường đi từ huyện Bảo Lâm về TP. Cao Bằng. Khi đi đến xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình thì bị đất đá trên núi sạt lở cuốn phăng xuống suối

Nỗ lực tìm kiếm những người mất tích còn lại

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Nguyên Bình, tính đến ngày 14/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa to kéo dài gây sạt lở, lũ quét trên địa bàn huyện làm 52 người chết, 15 người bị thương tại các xóm: Lũng Lỳ, Khuổi Ngọa, xã Ca Thành; Lũng Sũng, xã Yên Lạc; còn khoảng 5 người mất tích tại điểm sạt lở Khuổi Ngọa, xã Ca Thành; 27 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 79 ngôi nhà bị thiệt hại một phần; 305 hộ có nguy cơ sạt lở cao phải sơ tán khẩn cấp. Mưa lũ, gây sạt lở taluy dương, sụt taluy âm trên 25 điểm tại các tuyến đường tỉnh, đường huyện do UBND huyện Nguyên Bình quản lý, tổng khối lượng ước khoảng 100.000m3. Hiện tại, xã Ca Thành còn 3 xóm bị cô lập: Khuổi Mỵ, Khuổi Vầy, Khuổi Ngọa.

Hiện trường vụ sạt lở ở huyện Nguyên Bình, chiếc xe con dúm dó khi được tìm thấy.
Hiện trường vụ sạt lở ở huyện Nguyên Bình, chiếc xe con dúm dó khi được tìm thấy

Hiện, các lực lượng đã đề xuất các phương án tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích còn lại tại điểm sạt lở Khuổi Ngọa, xã Ca Thành. Đồng thời gấp rút triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai sau giai đoạn tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Nguyên Bình.

Tại cuộc họp với huyện Nguyên Bình ngày 14/9, ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu, các lực lượng tổng lực triển khai tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích tại điểm sạt lở còn lại theo các phương án đã đề ra. Khẩn trương rà soát các hộ có nhu cầu chỗ ở để quân đội bố trí dựng nhà bạt cho dân ở tạm. Sở Giao thông Vận tải nỗ lực đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ lực lượng tìm kiếm. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai công tác xử lý vệ sinh môi trường, phun khử trùng các địa điểm sạt lở đã hoàn thành công tác tìm kiếm, kiểm tra xử lý vệ sinh khu vực ở tạm của người dân phòng tránh dịch bệnh sau thiên tai.

Hàng cứu trợ được vận chuyển đến điểm sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình.
Hàng cứu trợ được vận chuyển đến điểm sạt lở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình

"Sau khi kết thúc giai đoạn tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng, địa phương tập trung triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định lại cuộc sống cho người dân. Nắm tình hình dân cư, nhu cầu của người dân để triển khai công tác hỗ trợ đảm bảo đúng, trúng và hiệu quả" - ông Hoàng Văn Thạch yêu cầu.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng. Đặc biệt, cơn bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản tại các huyện: Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hòa An, Trùng Khánh, Thạch An và TP. Cao Bằng. Mưa lũ khiến 54 người chết và mất tích, 15 người bị thương; 1.740 ngôi nhà bị thiệt hại; 1.850ha lúa, hoa màu bị ngập; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập; nhiều tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thuỷ lợi, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc... bị hư hỏng nặng nề. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 520 tỷ đồng.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.