36 năm gắn bó với nghĩa trangGiữa những ngày tháng 7 thiêng liêng, dưới cái nắng đổ lửa, những cán bộ, nhân viên ở Ban quản lý NTLS Trường Sơn vẫn tất bật với công việc thường ngày ý nghĩa của mình. Được sự giới thiệu của ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản lý NTLS quốc gia Trường Sơn, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Ngang- là một trong những cán bộ còn công tác gắn bó lâu năm nhất ở nghĩa trang linh thiêng này.
Ông Ngang năm nay 57 tuổi nhưng đã có tới 36 năm gắn bó với NTLS quốc gia
Trường Sơn. Lúc chúng tôi gặp, ông Ngang đang tất bật chạy lên xuống nghĩa trang để hướng dẫn nhiều đoàn khách đến thăm viếng. Từng là bộ đội chiến đấu tại chiến trường Thượng Lào, sau khi xuất ngũ, năm 1981 ông Ngang xin lên công tác tại NTLS Trường Sơn.
Ông Ngang kể: “Hồi tôi lên công tác thì nghĩa trang còn do tỉnh Bình Trị Thiên quản lý. Đến năm 1989 khi tách tỉnh thì nghĩa trang được giao cho tỉnh Quảng Trị. Những ngày đó, nghĩa trang còn hoang sơ và heo hút lắm. Bốn bề rừng núi, đường sá đi lại trong và ngoài nghĩa trang chủ yếu đường mòn xen lẫn cây rừng, cọp beo lãng vãng thường xuyên…”.
Thời đó tuyến đường Hồ Chí Minh chưa được xây dựng nên hầu như rất ít có khách thăm viếng. Nhiều người lên đây công tác những năm đó phần nhiều không chịu được khổ cực đã xin về. “Bản thân tôi sau 3 năm công tác cũng có ý chuyển về, nhưng không hiểu cơ duyên sao mà sau đó vẫn ở lại. Sau này nghiệm lại, có lẽ do tình đồng đội, đồng chí lớn quá, lại có sự đồng cảm, thấu hiểu và sức chịu đựng được rèn luyện từ những ngày trong quân ngũ đã khiến tôi không thể bỏ cuộc. Đến giờ tôi tự hào vì đã có gần nửa đời người gắn bó với nghĩa trang linh thiêng này”, ông Ngang tâm sự.
Sự hoang sơ, heo hút, cách trở cũng có thể chấp nhận được khi đã nguyện gắn bó. Nhưng trong tâm trí ông Ngang, những ngày thác lũ mưa rừng thật sự còn đáng nhớ hơn. Có những thời điểm gần cả tháng trời anh em phải nấu cháo loãng vì mưa lũ không thể về địa phương tiếp tế được lương thực. Rồi sốt rét, rắn rết, vắt rừng cắn, dẫm bom mìn… cũng là chuyện diễn ra hàng ngày ở nghĩa trang những năm tháng đó.
Những ngày đầu gian khổ ấy, ông Ngang cùng những cán bộ cùng thời đã tận tụy chăm sóc, nhang khói cho từng ngôi mộ liệt sĩ; miệt mài chăm những hàng cây; giữ bình yên, sự ấm cúng cho chốn linh thiêng này… Và sự gian khổ và cả hiểm nguy của những ngày đầu làm công tác chăm sóc, bảo vệ ở NTLS quốc gia Trường Sơn không thể kể hết bằng lời.
Từ những ngày đầu hoang sơ, cách trở, bây giờ NTLS quốc gia Trường Sơn đã trở thành một “địa chỉ đỏ” của Quảng Trị và cả nước. Vào mỗi dịp diễn ra sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn, nghĩa trang thường xuyên đón một lượng lớn các đoàn khách là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo và nhân dân các tỉnh thành trong nước; trong tỉnh và cả rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, viếng, dâng hương, dâng hoa bày tỏ tấm lòng tri ân…
Thể hiện sự tri ân bằng những việc làm cụ thểCũng như NTTS, bây giờ, có dịp theo đường QL 9 theo hướng Lao Bảo, nhiều người sẽ ngỡ ngàng trước vẻ khang trang, thoáng đãng, ngập tràn sắc hoa và cây xanh của NTLS quốc gia Đường 9. Nghĩa trang khoác lên mình hình ảnh mới mẻ và không kém phần tôn nghiêm. Nhiều đoàn khách đến thăm viếng đều đánh giá, nghĩa trang này bây giờ như một công viên tâm linh thật sự.
Ông Hoàng Chí, Trưởng Ban Quản lý NTLS quốc gia Đường 9 phấn khởi đón chúng tôi bằng nụ cười rổn rảng trong bộ quân phục trang nghiêm. Dù mới đảm nhận vị trí Trưởng ban quản lý NTLS quốc gia Đường 9 chưa đầy 3 năm nhưng ông cũng đã kịp thời có những đóng góp tích cực góp phần chỉnh trang bộ mặt nghĩa trang ngày càng trở nên khang trang, thoáng đẹp, sạch sẽ. Ngoài các hạng mục chính được ngân sách đầu tư xây dựng, thì thời gian qua ông Chí cùng các cán bộ đơn vị đã tích cực đứng ra vận động, kêu gọi nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trong nước, trong tỉnh hỗ trợ kinh phí, vật chất để góp phần chỉnh trang nghĩa trang ngày càng mỹ quan, trang nghiêm.
Một số phần việc mà ông Chí đã để lại dấu ấn đó là: Tích cực cải tạo, bố trí hệ thống cây xanh các loại trong khuôn viên nghĩa trang; vận động 1 đơn vị hỗ trợ xây dựng khu vườn hoa trong nghĩa trang với trị giá 1,5 tỷ đồng; có đơn vị khác được ông vận động hỗ trợ được 1 chiếc xe ô tô bán tải để phục vụ công việc của nghĩa trang; nhiều đơn vị hỗ trợ kinh phí, vật chất khác nhau để xây dựng nghĩa trang; phối hợp thực hiện nuôi dưỡng, thuần hóa đàn bồ câu trong khu vực nghĩa trang nhằm tạo được sự mới lạ, thân thiện cho khách đến viếng nghĩa trang.
Đặc biệt, ông và cán bộ nhân viên nghĩa trang còn thường xuyên trả lời đơn thư và điện thoại tìm mộ liệt sĩ, tiếp xúc và làm việc với gia đình thân nhân liệt sĩ để xác minh địa bàn trước lúc quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào và trong tỉnh. Hiện Ban quản lý nghĩa trang đang có 19 cán bộ, nhân viên, trực tiếp phụ trách chăm sóc, bảo vệ cho 10.660 mộ liệt sĩ. Các lô mộ liệt sĩ được phân công cho cán bộ, nhân viên chịu trách nhiệm chăm sóc, quét dọn thường xuyên; còn lại một số lô mộ do các tổ chức, đơn vị nhận chăm sóc. Công tác bảo vệ được duy trì thường xuyên và tăng cường trực cả ngày lẫn đêm. Những ngày nghỉ đều bố trí thêm cán bộ trực để kịp thời đón, hướng dẫn khách đến thăm viếng.
“Ước nguyện của bản thân tôi cũng như toàn thể anh em là làm thế nào nghĩa trang không chỉ ấm cúng, sạch đẹp mà còn trở thành như một không gian xanh mát, đầy cây xanh, hoa thắm. Nghĩa trang được như bây giờ khiến anh em chúng tôi rất vui, hạnh phúc. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc thiêng liêng nơi này bằng tất cả tấm lòng và bầu nhiệt huyết để mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ”, ông Chí bộc bạch.
ĐỨC VIỆT