Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Gặp lại những sinh viên DTTS tiêu biểu, xuất sắc

PV - 10:34, 16/10/2018

Tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2017, do Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào tháng 11/2017 tại Hà Nội, cả nước đã có 161 em học sinh, sinh viên tiêu biểu người DTTS được tuyên dương, trao thưởng. Gặp lại những gương mặt sinh viên tiêu biểu sau một năm bước vào giảng đường đại học, các em đã chia sẻ cùng bạn đọc Báo Dân tộc và Phát triển về thành tích học tập và hoài bão, ước mơ của mình.

baodantoc_hs_xuat_sac

Lồ Mai Duyên (dân tộc Bố Y-Lào Cai): Vẫn giành được học bổng khi vào đại học.

Năm học 2018-2019, Lồ Mai Duyên, dân tộc Bố Y (thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã bước vào năm thứ hai đại học. Theo học chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp tại Học viện Tài chính Hà Nội, mặc dù khối lượng kiến thức hệ đại học nặng hơn so với thời học THPT nhưng Lồ Mai Duyên vẫn giữ được học lực loại tốt. Năm thứ nhất đại học, Duyên đạt tổng điểm trung bình môn trên 8.0 nên đã giành được học bổng của trường. Duyên chia sẻ: “Từ miền núi về Thủ đô học tập, thời gian đầu em rất nhớ nhà và lo lắng không biết chương trình đại học có nặng quá so với học lực của bản thân không. Mất một thời gian để thích nghi với môi trường học tập, điều kiện sinh hoạt mới, em tập trung hơn vào việc học tập nên đã giành được kết quả tương đối tốt”.

Cũng theo Duyên thông tin, đầu năm học 2017-2018, em là một trong 161 học sinh, sinh viên người DTTS, hoàn cảnh khó khăn có thành thích cao trong học tập được nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2017.

Hoàn cảnh gia đình Lồ Mai Duyên rất khó khăn: bố mẹ đều làm nghề nông, lại nuôi một người bác bị tâm thần, 1 người dì bị khuyết tật. Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước mà Duyên được đi học tại Trường PTDTNT của tỉnh. 12 năm học phổ thông Duyên đều đạt học sinh giỏi, năm lớp 12 Duyên đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh của tỉnh Lào Cai.

Mai Duyên chia sẻ, để học tốt tiếng Anh đối với một học sinh DTTS ở miền núi, ít có điều kiện tiếp xúc với thầy cô, người nước ngoài như Duyên là rất khó khăn. Bí quyết học tập của Duyên là, ngoài việc chú ý nghe giảng trên lớp, ghi chép lại, Duyên luôn làm hết các bài tập thầy cô giao, ngoài ra, Duyên thường tự tìm tài liệu qua sách vở của thư viện trường, qua mạng Internet... để học thêm.

Hiện nay, Duyên dành nhiều thời gian để học thêm tiếng Anh với mong muốn sau khi ra trường sẽ tìm được việc làm, có thu nhập để giúp đỡ cuộc sống gia đình bớt khó khăn.

Âu Thị Thủy Ngân (dân tộc Sán Dìu, Quảng Ninh): Nỗ lực để trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai.

Âu Thị Thủy Ngân sinh ra và lớn lên ở miền núi Hoành Bồ (Quảng Ninh). Thấu hiểu sự thiếu thốn của gia đình và nỗi vất vả của bố mẹ, trong những năm học THPT, Thủy Ngân luôn tự giác, quyết tâm học tập để đạt kết quả cao nhất. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia, Thủy Ngân đã đạt giải Nhì môn Hóa học cấp tỉnh (lớp 11), giải Nhất môn Hóa học cấp tỉnh (lớp 12) và giải Ba môn Hóa học kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Hiện nay, Thủy Ngân đã là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Y Hà Nội, em đang nỗ lực để trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai. Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình mình, Thủy Ngân cho biết, gia đình em có hai chị em nhưng một mình bố phải nuôi 3 người vì mẹ bị bệnh, mất khả năng lao động. Bố làm nghề tự do, để kiếm ra đồng tiền trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi hai con ăn học, bố phải lao động vô cùng vất vả. Thủy Ngân theo học ngành Y, thời gian để hoàn thành chương trình đại học và để được cấp bằng bác sĩ y khoa phải mất 6 năm. Đây là khoảng thời gian quá dài đối với hoàn cảnh gia đình của em. Là con em người DTTS, điều kiện gia đình khó khăn nên Thủy Ngân được Nhà nước miễn giảm học phí, tuy nhiên, chi phí chi tiêu sinh hoạt hằng tháng cũng tốn kém nên em đang sắp xếp thời gian học tập hợp lý để đi làm thêm, giảm bớt một phần khó khăn cho bố.

Thủy Ngân chia sẻ, trong năm học vừa qua, tuy chưa dành được học bổng nhưng em cũng đạt điểm tổng kết trung bình gần 8.0. Em đang cố gắng học tập để trở thành một bác sĩ giỏi, sau này trở về phục vụ tại quê hương Hoành Bồ, Quảng Ninh.

baodantoc_hsdtts_xuat_sac

Phan Tiến Ðạt, dân tộc Thổ, (Nghệ An): Muốn đạt kết quả học tập tốt phải kiên trì và đam mê.

Em Phan Tiến Đạt, dân tộc Thổ, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những gương mặt học sinh xuất sắc được tuyên dương năm 2017. Sinh ra tại huyện miền núi Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, từ nhỏ, Đạt đã có ý chí và tinh thần ham học. Bố em là giáo viên môn Vật lý nên em được truyền cảm hứng từ môn học này. Năm lớp 8 và lớp 9, Phan Tiến Đạt đều đoạt giải Ba học sinh giỏi môn Vật lý cấp tỉnh; lớp 11 đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia và lớp 12 đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp quốc gia với môn học này và được chọn tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế.

Hai học kỳ của năm thứ nhất đại học, Phan Tiến Đạt đều giành được học bổng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Từ kinh nghiệm đạt được qua thành tích học tập, Ðạt tự tin cho biết: “Phương pháp học tập tốt là dựa trên việc luyện tập nhiều. Khi đọc đến một bài toán mới, mình sẽ nghĩ ra các trường hợp đặc biệt của nó đầu tiên, sau đó suy rộng cho toàn bài và phải nghiên cứu kỹ, tránh đọc sơ sài sẽ nắm không chắc vấn đề. Khi học bất kể môn gì thì cần phải tạo cho mình lòng đam mê, nếu có lòng đam mê thì khi ngồi vào học sẽ tập trung cao độ, hiệu quả học tập sẽ cao”.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.