Trong đời sống xã hội hiện đại, sản phẩm tơ lụa Việt Nam dù vẫn bay xa ra các thị trường quốc tế nhưng lại “chật vật” xoay sở với chính thị trường nội địa khi phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm may mặc công nghiệp và hàng nhái, hàng giả tràn lan ngay trong chính làng nghề.
Chị Nguyễn Thị Hòa ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) là một người mê lụa Vạn Phúc từ nhiều năm nay.
Chị Hòa chia sẻ, mùa hè mặc đồ lụa vừa mát vừa tôn lên vẻ nữ tính, quý phái cho người phụ nữ. Tuy nhiên, chất liệu vải lụa tơ tằm khá kén người nên không phải ai mặc đồ lụa cũng đẹp. “Thường những người đứng tuổi, da trắng hoặc ai thích phong cách cổ điển mới chọn lụa Vạn Phúc vì những hoa văn như mai, lan, cúc, trúc chỉ thích hợp để may áo dài truyền thống mặc trong lễ cưới, hỏi hay những lễ hội trang trọng. Vì thế ở cơ quan mình, không mấy chị em ưa chuộng đồ lụa tơ tằm.”, chị Hòa cho biết.
Lụa tơ tằm nguyên chất của làng lụa Vạn Phúc là dòng sản phẩm cao cấp, được làm thủ công nên giá tương đối cao. Đối với vải lụa 100% sợi tơ tằm, giá dao động từ 400.000-500.000 đồng/m, có loại lên tới 600.000 đồng/m, tuỳ vào lụa se hay lụa thường. Sản phẩm khăn lụa tơ tằm nguyên chất có giá từ vài trăm ngàn tới hơn một triệu đồng/chiếc; váy lụa tơ tằm, áo dài đều có giá không dưới một triệu đồng/chiếc. Vì vậy, người dân Việt Nam có mức sống trung bình ít dám “với” tới sản phẩm lụa tơ tằm nguyên chất.
Hiện nay, 80% số lượng sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống của làng nghề Vạn Phúc cung cấp cho khách du lịch nước ngoài hoặc làm theo đơn đặt hàng của các nhà thiết kế nổi tiếng chủ yếu phục vụ cho một bộ phận khách VIP là các nhà ngoại giao, doanh nhân, người mẫu, diễn viên, ca sĩ...
Hiện làng lụa Vạn Phúc có hơn 150 cửa hàng bày bán rất nhiều sản phẩm may mặc như, váy, áo dài, áo dài cách tân, áo bà ba, bộ đồ ngủ, túi xách, ví, khăn, calavat... Tuy nhiên, những sản phẩm này được may từ chất liệu vải lụa Trung Quốc, lụa pha (không phải tơ tằm nguyên chất) nên giá rẻ, dễ lỗi mốt và không có nhiều mẫu mã độc đáo.
Nghệ nhân Đỗ Quang Hùng, một thợ dệt của làng trăn trở: Hiện nay, nghề sản xuất và kinh doanh lụa ở Việt Nam không còn phát triển rầm rộ như giai đoạn 1995-2000. Thời điểm đó, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến thị trường lụa tơ tằm Việt Nam. Nhưng phần lớn, họ không quay trở lại, với lý do lụa không phải 100% là tơ tằm mà là nửa tằm nửa tơ bóng; loại sản phẩm này giá thành rất rẻ, chỉ 1 USD/thước (mét) vải. Trong khi đó, nếu đúng tơ thật thì hơn một triệu đồng/m, kể cả lụa của Trung Quốc với nguồn gốc tơ của Brazil bán cũng rất đắt.
“Nhưng hàng Trung Quốc còn có một sản phẩm rất rẻ, đó là lanh được xe bằng sợi vỏ cây. Hiện tại, lanh bán tại Vạn Phúc chỉ có giá khoảng 30.000đồng/m, chất liệu này màu sắc rất đẹp, mặc mát, không nhăn và rất bền. Lợi dụng việc khách hàng không phân biệt được tơ tằm và lanh, một số người đã bán lanh với giá tơ tằm rất đắt và thu lợi nhuận cao”, ông Hùng cho biết.
Mới đây, việc kinh doanh gian dối của một thương hiệu được coi là tiên phong cho nghề dệt lụa Việt Nam-Khaisilk bị phát giác, đã gây tổn thất không nhỏ cho uy tín sản phẩm tơ lụa Việt Nam nói chung, làng nghề Vạn Phúc nói riêng. Trong nhiều năm nay, tập đoàn Khaisilk bán khăn lụa có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại giả danh hàng lụa tơ tằm Việt Nam. Các mẫu khăn lụa Trung Quốc có giá mua sỉ chỉ 25.000 đồng/chiếc, nhưng khi gắn mác Khaisilk thì giá đội lên tới 644.000 đồng/chiếc.
Việc gian dối trong kinh doanh của Tập đoàn Khaisilk không chỉ đánh mất niềm tin của một thương hiệu lớn đã dày công gây dựng, mà còn ảnh hưởng đến các thương hiệu và hàng hóa khác của Việt Nam.
Để tìm lại uy tín cho sản phẩm tơ lụa Việt Nam, các làng nghề truyền thống, các nhà kinh doanh lụa chân chính và các nhà thiết kế thời trang lụa Việt Nam sẽ phải mất nhiều thời gian để gây dựng lại.
NGỌC ÁNH