Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gắn làng nghề với dịch vụ và du lịch

PV - 17:21, 23/07/2018

Làng nghề dệt chiếu Phú Tân (thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, Phú Yên) tồn tại hàng trăm năm nay với nghề dệt chiếu cói, đã góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Để làng nghề phát triển bền vững, xã An Cư định hướng gắn hoạt động làng nghề với du lịch, dịch vụ.

Theo UBND xã An Cư, làng nghề dệt chiếu Phú Tân hiện có gần 250 hộ làm nghề dệt chiếu. Trong đó có 2 Tổ hợp tác và 4 hộ dân dệt chiếu bằng máy. Làng nghề tạo việc làm cho 400-500 lao động địa phương, đặc biệt là những người lớn tuổi và lao động nông nhàn. Mỗi năm, các hộ sản xuất của làng nghề cung cấp khoảng 500.000-600.000 chiếc chiếu cho thị trường.

chiếu Phú Tân Người dân Phú Tân dệt chiếu bằng máy.

Chị Nguyễn Thị Linh, chủ một cơ sở chiếu cói ở đây cho biết: Sản phẩm chiếu Phú Tân đã có chỗ đứng trên thị trường nhưng giá trị sản phẩm vẫn còn thấp. Nhận thấy khách du lịch ngày càng thích thú với những sản phẩm truyền thống nên chúng tôi tập trung sản xuất những mặt hàng phù hợp. Trước đây, lao động làm việc tại cơ sở chiếu cói của gia đình tôi được Sở Công Thương hỗ trợ đào tạo nghề dệt sản phẩm cói phục vụ du lịch, như thảm cói, mũ cói… nên nhiều người đã có kiến thức cơ bản về các sản phẩm phục vụ du lịch. Cơ sở đã sản xuất được dòng chiếu gấp rất được khách hàng ưa chuộng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển dòng sản phẩm phục vụ du lịch để đón đầu nhu cầu của thị trường, đồng thời làm phong phú và nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư thông tin, địa phương đang thu hút nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng; các dịch vụ ăn uống, giải khát ở khu vực cầu Long Phú (gần làng nghề dệt chiếu Phú Tân) cũng đang phát triển mạnh, do vậy, địa phương định hướng các cơ sở dệt chiếu cói sản xuất thêm các sản phẩm túi xách, mũ, thảm cói, chiếu gấp… để phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ khuyến khích các đơn vị lữ hành hình thành các tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề dệt chiếu để quảng bá hình ảnh, sản phẩm của làng nghề.

Khó khăn hiện nay của làng nghề là vùng nguyên liệu bị thu hẹp. Theo UBND xã An Cư, trước đây, diện tích trồng cói của xã trên 40ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 25ha. Nguồn cói tại chỗ chủ yếu phục vụ cho các hộ dệt chiếu thủ công, còn các cơ sở sản xuất chiếu cói phải nhập nguyên liệu ở nơi khác nên hoạt động của làng nghề gặp không ít khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Kim Phương, chủ một cơ sở dệt chiếu máy cho biết: Hiện, nguồn cói của địa phương ngày càng cạn kiệt, chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu của cơ sở. Hằng năm, chúng tôi phải nhập cói từ các tỉnh phía Nam mới đủ sản xuất. Tuy nhiên, cói của nơi khác không đẹp, dai và chắc như cói Phú Tân nên chất lượng sản phẩm có phần hạn chế.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân khôi phục và phát triển diện tích trồng cói để cung ứng cho hoạt động của làng nghề. “Để khôi phục lại đồng cói Phú Tân, xã dự tính làm đường bê tông dọc cánh đồng cói để phục vụ thu hoạch, vận chuyển cói; đồng thời xin chủ trương của huyện làm bờ đê ngăn mặn nhằm tạo thuận lợi cho người dân khôi phục và mở rộng diện tích trồng cói. Đối với các cơ sở dệt chiếu máy, xã cũng hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất cũng như tạo điều kiện cho các cơ sở này tiêu thụ sản phẩm mỹ nghệ từ cói”, ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư cho biết thêm.

THÀNH NHÂN