Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Game show âm nhạc "mất điểm”: Vì đâu nên nỗi?

PV - 12:15, 01/08/2022

Đã từng có thời gian, các chương trình game show, truyền hình thực tế... là những “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đài. Tuy nhiên, sau thành công là đến giai đoạn thoái trào, dù nhiều chương trình vẫn được tổ chức nhưng sự quan tâm của khán giả đã không còn mấy mặn mà.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhanh chóng “chìm xuồng”

Khoảng 5 năm trở lại đây, game show ca nhạc bùng nổ trên sóng truyền hình, phổ biến ở cả ba kênh VTV3 (Đài TH Việt Nam), HTV (Đài TH TP.HCM) và THVL (Đài TH Vĩnh Long). Trong đó phải kể đến các chương trình mở đầu cho hàng loạt game show tìm kiếm tài năng âm nhạc như Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Vietnam Idol… Thừa thắng xông lên, các game show âm nhạc phát triển mạnh mẽ và được mở ra ở nhiều dòng nhạc như bolero, cải lương, và mới đây nhất là dòng nhạc cá tính rap, rock như Rap Việt, King of Rap… tạo nên “làn gió” mới cho các thể loại nhạc trẻ tại Việt Nam. Đặc biệt, đêm chung kết của chương trình Rap Việt đã lập kỷ lục khi có tới 1 triệu lượt người xem cùng lúc trên YouTube.

Thế nhưng, sau mùa đầu gây sốt và đem lại nhiều hy vọng cho sự trở lại của các game show truyền hình, thì Rap Việt mùa 2 giảm rõ rệt sức hút. Tương tự, dù nhận được nhiều sự ủng hộ, Rock Việt cũng nhanh chóng chìm xuồng, khi không có bất kỳ màn trình diễn nào trở thành tâm điểm. Trong khi MC và các HLV đã phải “gồng mình” để tạo sức hút, thì các ban nhạc tham gia lại không đem lại nhiều ấn tượng, thậm chí là rất mờ nhạt. Một số cái tên gây chú ý như Chú Cá Lơ, Bumblebee... cũng không tạo ra sự đột biến đáng kể. Các “ông lớn” như Giọng hát Việt, Ca sĩ thần tượng, Giọng hát Việt nhí… dù đã từng “làm mưa làm gió” nhưng cũng lụi tàn dần theo năm tháng, ngoài việc rating giảm sút mạnh, các quán quân trong những năm gần đây đều “chìm nghỉm” và nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Nhưng đáng chú ý nhất phải kể đến loạt game show về dòng nhạc bolero, giai đoạn 2016-2018, hàng loạt cuộc thi, game show thể loại nhạc này được sản xuất và phát sóng trên truyền hình như Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Kịch cùng Bolero, Duyên dáng Bolero… Danh sách này còn chưa kể những chương trình không lấy tên bolero nhưng vẫn sử dụng chất liệu đó làm nội dung chủ đạo. Tuy nhiên, sự bùng nổ và đắt giá về rating, quảng cáo của loạt game show bolero chỉ kéo dài được 2-3 năm, rồi sau đó cứ thế “xuống dốc không phanh”.

Lỗi tại ai?

Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thời 4.0, không thể phủ nhận các chương trình giải trí đã và đang đóng vai trò quan trọng trong “bữa ăn” giải trí của đông đảo công chúng. Cùng với làn sóng “nhập khẩu”, Việt hóa các phiên bản game show, truyền hình thực tế của nước ngoài, đến nay đã có hàng trăm chương trình được sản xuất với đủ các loại hình từ âm nhạc, trí tuệ, trải nghiệm, hài kịch... được phủ sóng trên khắp các kênh từ địa phương đến trung ương. Tuy nhiên, trước sự phát triển chóng mặt ấy, khán giả đang dần “bội thực” khi có quá nhiều chương trình cứ na ná nhau, thậm chí là dần sa đà vào những yếu tố gây sốc, giật tít, câu view phản cảm, lố lăng…

Đơn cử như các chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi, các em nhỏ phải “gồng mình” hát ca khúc người lớn, không phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, một số chương trình vì muốn tạo “drama” nên đã tập trung khai thác nhiều cảnh hậu trường, kéo các thí sinh nhỏ tuổi vào những màn tranh đấu khốc liệt, gây ảnh hưởng đến tâm lý của các em. Bởi thực tế những yếu tố mới lạ trong các game show chỉ có thể thu hút được khán giả ở một, hai mùa đầu tiên, càng về sau, sức hút của chương trình sẽ càng giảm. Chính vì thế, để “đổi gió”, nhiều chương trình đã bất chấp khai thác hậu trường, đời tư người chơi một cách triệt để, thế nhưng lạm dụng quá nhiều lần cũng khiến người xem nhận ra đó chính là “chiêu trò bẩn”.

Hay hiện tượng các sân chơi “nhẵn mặt” với những nghệ sĩ tham gia, ngay cả đội ngũ giám khảo cũng rơi vào tình trạng tương tự. Có nghệ sĩ một buổi tối có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều chương trình trên các kênh sóng khác nhau. Cá biệt, một số gương mặt vừa mới bước ra từ cuộc thi ca hát, chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, trải nghiệm cuộc sống vẫn “chễm chệ” ngồi ghế nóng. Một số game show còn gây bức xúc khi nghệ sĩ lạm dụng quá đà ngôn ngữ, hình ảnh dung tục, giả gái thô thiển… Không những vậy, việc phụ thuộc vào các phiên bản nước ngoài cũng đang dần làm cho game show “mất điểm” khi không có sự đột phá. Còn với các chương trình “made in Vietnam” vẫn đang thiếu rất nhiều ý tưởng, sáng tạo trong cách thể hiện và rơi vào tình trạng “một màu”. Cũng chính vì nổi lên quá nhanh mà các nhà đài đã khai thác triệt để game show về âm nhạc, khiến chúng dễ dàng rơi vào thế “sớm nở tối tàn”.

Rõ ràng, niềm tin từ khán giả là điều không dễ dàng có được mà phải tạo dựng qua thời gian dài. Để các game show nói chung và game show âm nhạc nói riêng khởi sắc trở lại, các nhà đài cần xây dựng niềm tin khán giả bằng những chương trình chất lượng, tinh tế, sáng tạo chứ không phải “lượm nhặt” để tạo ra hàng loạt phiên bản “photocopy” na ná nhau, gây nên sự nhàm chán và bị khán giả quay lưng là điều khó tránh khỏi. 

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.