Những mảng sáng của kinh tế vùng DTTS
Năm 2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021- 2025, là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu của cả giai đoạn. Do vậy, ngay từ đầu năm, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tập trung quyết liệt công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp có hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng DTTS&MN, thường xuyên quan tâm, tổ chức thực hiện công tác dân tộc (CTDT) và đã đạt được kết quả quan trọng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn vùng DTTS&MN.
Dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng DTTS&MN (trong đó có 136 chính sách dân tộc), các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân vùng DTTS&MN năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện nâng cao.
Điều thấy rõ ràng nhất là, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Đến cuối năm 2023, có thêm khoảng 9 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Thêm một thông tin đầy ấn tương là từ tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh vùng DTTS, một số tỉnh ước tỷ lệ nghèo năm 2023 giảm nhanh như: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang giảm 5,96%, Yên Bái giảm 5,25%, Lào Cai giảm 5,2%, Gia Lai giảm 4,21%, Kon Tum giảm 4,04%, Cao Bằng giảm trên 4%... Đặc biệt, một số tỉnh thành có đồng bào DTTS như Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An… tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.
Cũng nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ và thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Bức tranh kinh tế ở nhiều vùng DTTS năm qua thực sự là rất sáng. Tại một số địa phương vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) cao như Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16, Bình Phước 8,34%, Trà Vinh 8,25%; các tỉnh như Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên… đều trên 7% và cao hơn trung bình cả nước.
Vẫn còn nhiều thách thức
Kinh tế vùng DTTS&MN nhìn chung vẫn chậm phát triển so với tiềm năng của vùng và chưa bền vững; kết cấu hạ tầng KT-XH vẫn còn thiếu và yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Ngay như năm 2023 vừa qua, một số tỉnh thuộc vùng DTTS&MN có tốc độ tăng trưởng thấp và rất thấp, có tỉnh tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng không cao, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có tiến bộ, song giảm nghèo chưa bền vững; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào DTTS với mặt bằng chung cả nước chậm được thu hẹp. Dù đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực vùng DTTS&MN vẫn còn thấp. Tình trạng phá rừng, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, buôn bán ma túy... vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn những yếu tố bất ổn; văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc đang bị mai một nhất là tiếng nói chữ viết, trang phục của một số DTTS; một số nơi hệ thống chính trị cơ sở còn yếu, chất lượng đội ngũ cán bộ chưa ngang tầm, còn thiếu đội ngũ cán bộ người DTTS.
Trước những nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết này là thực hiện tốt các chính sách người có công, đối tượng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào DTTS.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2024, nhiều chỉ tiêu, giải pháp đã được Chính phủ định hướng làm cơ sở thực hiện. Theo đó, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế là giải pháp ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ đặt ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực suy giảm, lạm phát cao…
Việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh sẽ là “điểm cộng” để thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng cũng sẽ được đầu tư, nâng cấp; nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều tiềm năng chưa được khai phá hết gắn với tăng cường phát triển liên kết vùng.
Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.