Một bảng F được mệnh danh là “tử thần” nhưng đội bóng chơi ấn tượng nhất là Hungary lại phải nói lời chia tay trong tiếc nuối, trong khi những ứng cử viên cho vị trí vô địch như Đức, Tây Ban Nha hay Anh lại để lại cảm giác chưa thực sự an tâm nơi cổ động viên sau 3 trận đấu vừa qua.
Tất cả những “cái tên lớn” của bóng đá châu Âu đã vượt qua vòng bảng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những thời điểm, người hâm mộ những đội Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Croatia hay thậm chí là Đức cũng sống trong lo âu, với cơn ác mộng đội bóng của họ sẽ phải sớm nói lời chia tay. Đây chính là thứ “gây nghiện” mà bóng đá mang lại, một đội bóng đang tìm lại truyền thống của quá khứ như Hungary cũng làm cả sân vân động Allizan Arena lo lắng khi vươn lên dẫn trước 2-1, hay như tại sân vận động Krestosky - cổ động viên Ba Lan đã mơ về cú lội ngược dòng ngoạn mục khi Robert Lewandoski san hòa 2-2 trước Thụy Điển.
Có thể nói, vòng bảng của EURO 2020 mang tới nhiều cảm xúc. Đó là năng lượng “Phục hưng” của Italy tới cảm xúc, sự động viên và quan tâm của cả thế giới cho vụ tai nạn của Christian Eriksen hay những giọt nước mắt lúc chia tay giải của các cầu thủ Hungary…
Bên cạnh đó, giải đấu năm nay tới lúc này chứng kiến rất nhiều pha lập công đỉnh cao. Ví dụ như tình huống tổ chức tấn công san hòa 1-1 cho Bỉ mà Kevin De Bruyne xử lý trong trận gặp Đan Mạch, cú vẩy má điệu nghệ của Luka Modric trước Scotland, bàn thắng từ giữa sân của Patrik Schick, hay cú sút xa làm “nổ” cả sân vận động của Andreas Christensen, rồi tình huống băng lên như một vận động viên điền kinh của Cristiano Ronaldo trước Đức.
Về mặt chiến thuật, EURO 2020 cũng ghi nhận sự lên ngôi của bóng đá tấn công. Đây là giải đấu có tỷ lệ ghi bàn cao nhất ở vòng bảng kể từ EURO 2000 và đứng thứ 3 trong lịch sử các kỳ EURO. Có bình luận viên nhận định rằng đây là xu thế chung của bóng đá thế giới, nối tiếp những gì đã diễn ra tại World Cup 2018 ở Nga. Bóng đá tấn công giờ là phương thức mà các đội lựa chọn, kể cả trong trường hợp phải đối đầu với những “ông lớn” - các đội bóng nhỏ cũng chọn phương án phản công nhanh ngay khi có thể, thậm chí là dồn lên chơi “tất tay”.
Với nhiều loại đội hình chiến thuật, các đội đang cố gắng cân bằng thế trận tấn công và phòng ngự, nhưng cách các đội phòng ngự ngay bên phần sân đối phương được xem là “làn gió mới” ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Cách này được Hà Lan, Italy, Đức hay Bỉ lựa chọn. Trong khi đó, Bồ Đào Nha và Pháp còn tùy vào thời điểm của trận đấu mới chọn phương án pressing lên cả phần sân đối phương.
Bước vào vòng tứ kết, các chuyên gia cho rằng số bàn thắng có thể sẽ thấp hơn nhưng chất lượng của các trận đấu vẫn sẽ được duy trì. Ngay lúc này, cổ động viên đã có thể thưởng thức những cuộc tranh luận sôi nổi vì vòng 1/16 đã đón chào những cặp đấu rất đáng chú ý là Bỉ gặp Bồ Đào Nha, Anh với Đức, Croatia với Tây Ban Nha và Hà Lan với CH Séc.
Cho tới nay, EURO 2020 xứng đáng với sự chờ đợi. Với chất lượng của các đội vào vòng tiếp theo, giải đấu chắc chắn sẽ còn cống hiến thêm các trận đấu đỉnh cao - điều mà người hâm mộ bóng đá thế giới đang rất chờ mong./.