Cộng đồng người Lào đến giao thương và định cư tại Buôn Đôn, xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Hiện nay, người Lào ở Buôn Đôn có khoảng 220 nhân khẩu, tập trung sinh sống tại xã Krông Na. Những năm qua, người Lào sinh sống tại địa phương, đã duy trì nhiều hoạt động văn hóa nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Đặc biệt là bản sắc văn hóa đặc trưng qua điệu múa lăm vông và tổ chức Tết truyền thống Bunpimay hay còn gọi hội mừng năm mới. Đây là ngày lễ lớn nhất của dân tộc Lào theo truyền thống tổ chức hằng năm, từ 13-16/4 dương lịch. Vào dịp này, chúng ta sẽ được gặp những thiếu nữ Lào tươi trẻ trong trang phục truyền thống, búi tóc trên đầu cài bông hoa chăm pa trắng tuyết, uyển chuyển với điệu lăm vông theo nhạc.
Người Lào có lối sống bình dị, hồn nhiên và rất sôi nổi, đặc biệt họ rất thích ca hát, nhảy múa. Chỉ cần có tiếng nhạc vang lên những bài hát quen thuộc là họ mời nhau vào điệu lăm vông.
Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Với dân tộc Lào, lăm vông như cơm ăn, nước uống mà ai cũng biết từ lúc mới lên 3 lên 5.
Bà H’On Kẹo Lào ở buôn Trí B, xã Krông Na chia sẻ: Tôi biết múa lăm vông từ khi còn rất nhỏ, con cháu của tôi mới lên 5 lên 7 cũng đã múa thuần thục. Múa lăm vông gắn liền với sinh hoạt đời thường nên ở buôn này người già, trẻ nhỏ ai cũng biết. Đối với phụ nữ, khi múa lăm vông động tác là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè rộng và uốn cong, nhịp chân ba bước tiến, một bước lùi cứ thế đi vòng tròn cùng mọi người. Tùy vào năng khiếu của mỗi người khi thể hiện điệu múa trong mỗi bài hát có những tư thế xoay, tiến, lùi khác nhau nên vòng múa lăm vông rất đa dạng tư thế múa. Đối với nam giới thường đi chậm, nhịp nhàng từng động tác theo tiếng nhạc để phù hợp với đối phương hoặc vòng tròn lăm vông. Điệu lăm vông nhìn nhẹ nhàng, đơn giản, dễ học, dễ nhảy, nhưng cần sự mềm dẻo của cơ thể, đôi bàn tay.
Ông Bun May Lào ở buôn Trí A cho biết: Đối với dân tộc Lào, dù sinh sống ở đâu, thì phong tục, tập quán sinh hoạt cũng giống nhau, đặc biệt là điệu múa lăm vông. Múa lăm vông không thể thiếu trong đời sống của dân tộc Lào. Đàn ông Lào thường ít khi múa, nhưng trong các dịp văn nghệ vẫn cùng chị em tham gia lăm vông góp vui.
Chẳng ai dạy ai nhưng người già, trẻ nhỏ dân tộc Lào ở Buôn Đôn ai cũng biết múa lăm vông, tất cả học từ những cuộc vui chung của buôn làng mà thành thói quen, chỉ cần nghe tiếng nhạc là có thể lăm vông nhịp nhàng. Múa lăm vông đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá của dân tộc Lào, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của những cô gái, thiếu nữ dân tộc Lào.
LÊ HƯỜNG