Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Đường hàng chục tỷ đồng chưa bàn giao đã hư hỏng nghiêm trọng ở Ngọc Lặc(Thanh Hóa): "...Chỉ có thể là làm bậy" ?

Quỳnh Trâm - 15:47, 07/06/2021

Báo Dân tộc và Phát triển điện tử ra ngày 31/5/2021 đăng bài viết: "Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Đường hàng chục tỷ đồng chưa bàn giao đã hư hỏng nghiêm trọng". Nhận định vụ việc này, Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc cho rằng, không có nguyên nhân khách quan nào, nếu con đường hư hỏng thì chỉ có thể do chất lượng thi công kém, là làm bậy, chưa xong đoạn đầu đã hỏng đoạn cuối.


Công an huyện Ngọc Lặc cho biết sẽ vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân con đường xuống cấp
Công an huyện Ngọc Lặc cho biết sẽ vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân con đường xuống cấp

Đổ lỗi do khách quan!

Như đã phản ánh ở kỳ báo trước, dự án nâng cấp đường giao thông đi từ xã Thúy Sơn đến xã Thạch Lập, nối đến xã Điền Thượng của huyện Bá Thước được phê duyệt đầu tư từ năm 2009; nhưng mãi đến năm 2015 mới khởi công, với tổng chiều dài hơn 15km. Đồng thời, vốn đầu tư của dự án được điều chỉnh 3 lần, từ gần 20 tỷ đồng (năm 2009) lên 67 tỷ đồng (năm 2013) và "đội vốn" thành hơn 70 tỷ đồng vào năm 2019.

Đáng bàn là, sau 6 năm kể từ thời điểm khởi công (năm 2015), tại thời điểm này tuyến đường vẫn chưa được bàn giao; trong khi đó, mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, theo Biên bản hiện trường được xác lập ngày 24/5/2021 của Ban Quản lý dự án (BQLDA) huyện Ngọc Lặc, trên toàn tuyến đường dài hơn 15km thì có đến 13 điểm lý trình hư hỏng nghiêm trọng từ 6 - 50m, đặc biệt ở những đoạn dốc kéo dài. Những đoạn hư hỏng nặng chủ yếu thuộc về phần thi công của Công ty Cổ phần Việt Thanh VNC, là nhà thầu chính thi công dự án.

Để làm rõ vấn đề, xác định trách nhiệm của các bên liên quan, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có các cuộc làm việc với đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA huyện Ngọc Lặc) cũng như đại diện đơn vị thi công. Tại các cuộc làm việc này, lý giải nguyên nhân, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu thi công tuyến đường trên đều cho rằng, việc đường bị lún, nứt, bong tróc nhiều đoạn là do xe quá tải và thời tiết.

Cụ thể, tại cuộc làm việc ngày 25/5/2021 với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BQLDA huyện Ngọc Lặc nói, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đầu tiên, là do trên đoạn đường này nhiều xe quá tải đi lại ảnh hưởng đến chất lượng của công trình, cũng như địa hình của xã miền núi, mưa lũ hàng năm cũng khiến chất lượng mặt đường bị ảnh hưởng.

Văn bản cam kết sửa chữa hư hỏng trên tuyến đường của đơn vị thi công
Văn bản cam kết sửa chữa hư hỏng trên tuyến đường của đơn vị thi công

Cũng tại buổi làm việc với phóng viên ngày 29/5/2021, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Thanh VnC, khẳng định, nguyên nhân chủ yếu khiến đường hỏng là do phương tiện lưu thông trên địa bàn quá tải trọng, thiết kế của con đường không thể chịu được áp lực như vậy. Ngoài ra, ông Sơn cũng nói là do yếu tố địa chất phức tạp.

Mặc dù đại diện đơn vị thi công đổ lỗi tuyến đường chưa bàn giao đã hư hỏng trầm trọng là do phương tiện lưu thông quá trọng tải và do thời tiết, nhưng trên thực tế, đơn vị này đã "tự nhận lỗi" khi cam kết sẽ sửa chữa tiến hành ngay công đoạn "vá đường" trong thời gian sớm nhất. 

Cụ thể theo văn bản ngày 28/5/2021 của Công ty Cổ phần Việt Thanh VnC, đơn vị này cam kết sẽ tập trung máy móc trước ngày 5/6/2021 và tiến hành sửa chữa, khắc phục sử cố các điểm hư hỏng tuyến đường Thúy Sơn đi Thạch Lập chậm nhất trước ngày 20/6/2021.

Chỉ có thể do thi công... bậy!

Để làm rõ hơn căn cứ cho những biện luận của đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi làm việc với Công an huyện Ngọc Lặc để tìm hiều về tình hình giao thông trên địa bàn huyện liên quan đến tuyến đường trên.

Tại buổi làm việc, Thượng tá Đỗ Xuân Sơn, Trưởng Công an huyện Ngọc Lặc khẳng định, trên địa bàn tuyến đường đi không có mỏ, vùng nguyên liệu, cư dân thưa thớt, vì thế không có xe tải trọng lớn chạy qua, ngoài xe thô sơ tự chế của người dân.

Chủ đầu tư và nhà thầu đổ lỗi cho phương tiện vận tải và thiên tai là không đúng. Chỉ có thể do chất lượng thi công kém, làm bậy.

Thượng tá Đỗ Xuân SơnTrưởng Công an huyện Ngọc Lặc

Ông Sơn cũng cho biết, trong những năm qua, ở huyện Ngọc Lặc không có trận mưa lũ nào gây sạt lở, phá hủy đường giao thông; trong khi đó, cốt đường miền núi cũng rất chắc chắn. Nếu có thiệt hại vì mưa lũ, thì chính quyền địa phương đã có báo cáo thống kê thiệt hại để có phương án đền bù, hỗ trợ.

“Chủ đầu tư và nhà thầu đổ lỗi cho phương tiện vận tải và thiên tai là không đúng. Không có nguyên nhân khách quan nào, nếu con đường hư hỏng thì chỉ có thể do chất lượng thi công kém, làm bậy, chưa xong đoạn đầu đã hỏng đoạn cuối”, ông Sơn thẳng thắn nói.

Ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh, sáng 2/6/2021, ông Sơn cũng cho biết đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế vào cuộc làm rõ nguyên nhân. Theo đó, cơ quan điều tra sẽ thu thập hồ sơ, lấy mẫu thiết kế, phương án thi công, kiểm tra để đánh giá chất lượng công trình.

“Nếu công trình thực hiện sai thiết kế, phương án thi công không đảm bảo, thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Sơn nói.

Người dân bức xúc vì đường làm có như không
Người dân bức xúc vì đường làm có như không

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nâng cấp đường giao thông từ xã Thúy Sơn đi xã Thạch Lập thuộc loại công trình giao thông cấp III. Theo quyết định điều chỉnh vốn gần nhất (năm 2019), thì Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, với tổng kinh phí khoảng hơn 70 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 68 tỷ đồng, vốn do UBND huyện Ngọc Lặc huy động để thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng hơn 2 tỷ đồng.

Đồng thời, nếu đúng kế hoạch đã được duyệt thì kể từ thời điểm khởi công (năm 2015), đơn vị thi công dự án phải hoàn thành trong 36 tháng (tức là hoàn thành vào năm 2018). Tuy nhiên, tiến độ dự kéo bị kéo dài ra. Vậy liệu đây có phải là một trong những nguyên cớ khiến dự án "đội vốn" gấp hơn 3 lần so với dự toán ban đầu là gần 20 tỷ đồng (năm 2009)?

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!