Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đường đến ước mơ

PV - 14:44, 24/01/2019

Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu là hoạt động do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thường niên. Năm 2018, với những đổi mới trong nội dung, hình thức tổ chức, Lễ Tuyên dương đã để lại nhiều ý nghĩa và ấn tượng đẹp.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen cho các em học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu tại Lễ Tuyên dương năm 2018. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen cho các em học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu tại Lễ Tuyên dương năm 2018.

Truyền cảm hứng từ những điều giản dị

Tôi gặp lại Lô Văn Anh, dân tộc Ơ-đu, sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức (Nghệ An) khi TP. Vinh đã rực rỡ sắc hoa Xuân trên những con phố. Ở em vẫn là phong thái tự tin của chàng sinh viên trẻ có vóc dáng khá nhỏ so với tuổi 18 của em như lần đầu tiên tôi gặp tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018 được tổ chức cuối tháng 11/2018 tại Hà Nội.

Em cười bảo, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, em giành 22 điểm khối C (chưa tính điểm ưu tiên). Vốn dĩ em ước mơ được vào một trường quân đội, nhưng vì chiều cao không đủ nên đành chọn cho mình một hướng đi khác.

Hướng đi Lô Văn Anh chọn cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Với số điểm đạt được, tính thêm điểm ưu tiên thì em có thể chọn nhiều trường đại học uy tín. Nhưng em lại chọn Khoa Công nghệ ô tô-Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức.

Lô Văn Anh chia sẻ: “Bản thân em nghĩ học đại học rất tốt. Nhưng, học nghề cũng là lập thân, lập nghiệp. Hơn nữa, em cũng muốn học nghề vì sớm được đi làm và có điều kiện đỡ đần bố mẹ”.

Nghĩ cũng phải bởi gia đình em cũng như hàng chục hộ đồng bào dân tộc Ơ-đu khác ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bản Văng Môn là một trong hai điểm tái định cư của đồng bào Ơ-đu-một trong 5 DTTS có dân số rất ít người (dưới 1.000 người). Ở Văng Môn hiện có 100 hộ với 418 nhân khẩu, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới gần 80%; thu nhập trung bình chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/người/năm, 1 năm thiếu đói đến 6 tháng.

Dường như cái lam lũ, chịu thương chịu khó của người xứ Nghệ đã khắc chạm vào trong suy nghĩ của Lô Văn Anh, tác động đến nhiều quyết định quan trọng của em. Lựa chọn đi học nghề thay vì đại học là một trong số đó.

Em bảo, với số điểm cao trong kỳ thi THPT năm 2018 cùng thành tích trong 12 năm học, em đã được ra Hà Nội, là sinh viên đầu tiên người Ơ-đu được tuyên dương tại buổi Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu. Tại sự kiện này, em cùng với các bạn học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trên cả nước đã được vào Lăng viếng Bác Hồ, được đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám ghi sổ vàng,… Sau buổi lễ, em cũng như các bạn được tặng một quyển sổ, một cái bút và 4 triệu đồng.

“Bút, sổ thì em giữ để làm kỷ niệm. Còn tiền thưởng thì em gửi hết về cho mẹ để đỡ đần thêm gia đình”, Lô Văn Anh nói.

Lễ Tuyên dương là dịp để học sinh, sinh viên DTTS từ mọi miền Tổ quốc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi. Lễ Tuyên dương là dịp để học sinh, sinh viên DTTS từ mọi miền Tổ quốc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi.

Dệt những mùa Xuân từ sức trẻ

Câu chuyện vượt khó học tập và suy nghĩ rất thực tế của Lô Văn Anh dù rất giản dị nhưng lại có sức lan tỏa để truyền cảm hứng cho nhiều người, nhất là với những học sinh, sinh viên người DTTS. Đúng như chia sẻ của em: “Em luôn ý thức mình là người Ơ-đu và cố gắng học tập để không phụ lòng mọi người và luôn phấn đấu để sau này trở thành một người có ích”.

Đây cũng là suy nghĩ của 166 em học sinh, sinh viên được vinh danh tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018 tổ chức cuối tháng 11/2018 tại Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên kênh sóng Đài truyền hình Việt Nam. Lễ Tuyên dương là sự kiện do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm.

Còn nhớ, sau buổi Lễ Tuyên dương năm 2018, tôi đã chủ ý trò chuyện với 11 em thuộc các dân tộc rất ít người lần đầu tiên được vinh danh. Đó là em Trương Trần Thu Hà, dân tộc Pu Péo (Hà Giang); Y Ngân, dân tộc Rơ Măm (Kon Tum); Lý Cố Hoa, dân tộc Si La (Lai Châu), Lô Văn Anh, dân tộc Ơ-đu (Nghệ An),… Các em tâm sự, được tuyên dương là nguồn động viên rất lớn đối với các em, mang lại cho các em sức mạnh, động lực mới trên quãng đường phấn đấu phía trước.

“Em rất vui mừng và tự hào. Và tự hào hơn khi em được mặc trang phục dân tộc, được làm quen với nhiều bạn dân tộc khác trên cả nước. Ðây sẽ là một kỷ niệm em nhớ mãi”, em Trương Trần Thu Hà nói.

Còn Lô Văn Anh thì chia sẻ, sau khi được truyền hình trực tiếp trên ti vi, rất nhiều bà con ở trong bản đã gọi điện chúc mừng em. Gia đình, làng xóm hết sức tự hào bởi đã lâu lắm rồi, con em Ơ-đu mới được tham gia một chương trình lớn và được ghi nhận, tôn vinh.

Những chia sẻ của Lô Văn Anh, Trương Trần Thu Hà,… cho thấy chiều sâu, đầy sức lan tỏa của Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2018. Qua 6 lần tổ chức, năm 2018 là năm đầu Ban Tổ chức mở rộng đối tượng được tuyên dương, gồm cả các sinh viên DTTS tốt nghiệp học viện, đại học, cao đẳng loại xuất sắc. Số lượng học sinh, sinh viên được tuyên dương thuộc nhiều thành phần dân tộc tăng lên, xuất hiện ngày càng nhiều học sinh thuộc các dân tộc rất ít người vượt khó học giỏi. Lễ Tuyên dương đã và đang là một hoạt động thiết thực để chắp cánh ước mơ cho các em học sinh, sinh viên DTTS trên mọi miền Tổ quốc.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.