Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đường đến trường đầy cảm xúc của cô bé dân tộc Dao

Nghĩa Hiệp - 21:00, 12/10/2021

Đi trên con đường đất đá dài 3km, lội qua con suối để đến lớp đã trở thành hành trình quen thuộc mỗi ngày, trong suốt 5 năm nay của cô bé dân tộc Dao Trình Thị Lan. Không chỉ có thế, 2 năm học gần đây, Lan còn phải cõng trên lưng đứa em thơ 3 tuổi cùng đến lớp, để giúp mẹ có thời gian làm lụng nuôi sống gia đình.

Cõng em vượt quãng đường 3km đầy khó khăn là hành trình đến trường của cô bé dân tộc Dao Trình Thị Lan trong suốt 2 năm qua
Cõng em vượt quãng đường 3km đầy khó khăn là hành trình đến trường của cô bé dân tộc Dao Trình Thị Lan trong suốt 2 năm qua

Cô bé Trình Thị Lan, dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Gia đình Lan thuộc diện hộ nghèo nhất của thôn, tài sản gia đình chỉ có mảnh ruộng nhỏ, bố em bị mắc bệnh về thần kinh nên không còn là lao động chính. Công việc trong nhà chỉ có em và mẹ thay nhau gánh vác.

Do hoàn cảnh khó khăn, mẹ đi làm thuê, em còn quá nhỏ, bao nhiêu tiền đều dồn chữa bệnh cho cha. Từng có thời điểm mẹ muốn Lan nghỉ học để giúp đỡ mẹ việc nhà. Lúc ấy, Lan chỉ biết khóc và nói với cô giáo: “Con địu em bé đến trường học cùng được không cô?”. Cũng kể từ đây, hành trình đến trường mỗi ngày của Lan đặc biệt hơn, và trở thành tấm gương sáng về vượt khó trong học tập.

Cô giáo Nguyễn Việt Hà, giáo viên Chủ nhiệm lớp của Lan tại điểm trường Làng Cổng (Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồn Đạc 2, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: “Việc đến trường với học sinh người Dao vẫn còn khó khăn, thường xuyên phải vận động ra lớp. Nhưng với em Trình Thị Lan, thì lại trái ngược. Lan rất hiếu học, dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng em đã cố gắng vượt qua để đến lớp, muốn được tiếp tục học. Khi nhận được thông tin gia đình muốn Lan nghỉ học, nhà trường đã đến vận động, động viên bố mẹ em, để em được tiếp tục đến trường”.

Từ nhà Lan đến trường là quãng đường hơn 3km, hơn một nửa con đường là lối mòn, mùa mưa thì lầy lội, qua cả lòng suối gập ghềnh đá sỏi, người lớn đi còn khó. Lan còn nhỏ, lại phải địu thêm cả em bé trên lưng, nhưng niềm vui được học khiến Lan quyết tâm đến trường, bất kể ngày mưa hay nắng.

“Em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho bố, chỉ có học mới giúp được gia đình em. Em cõng em đến lớp 2 năm thôi, rồi em cũng đi nhà trẻ, nhưng việc học không nghỉ 2 năm được”, quyết tâm của cô bé 10 tuổi Trình Thị Lan không khỏi khiến nhiều người cảm động.

Thương cô bé nghèo với quyết tâm đến trường, hiểu cho hoàn cảnh gia đình em, Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, Ban Giám hiệu Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồn Đạc 2, cùng cô giáo chủ nhiệm đã đồng ý với việc, có thêm thành viên nhí trong lớp trong suốt 2 năm nay tại điểm trường Làng Cổng. Các thầy, cô giáo trong trường cũng ủng hộ em đồ dùng, quần áo và tiền mặt để giúp em đến lớp đỡ vất vả.

Mang em đến lớp, cùng ước mơ học để trở thành bác sĩ của cô bé Trình Thị Lan. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Mang em đến lớp để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ của cô bé Trình Thị Lan. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

4 năm học qua đi, mỗi lần nhận được kết quả học tập học sinh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện, đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc của Lan cùng các thầy cô giáo.

Cô Hà cho biết: Năm học này, Nhà trường đã vận động từ các nguồn kêu gọi xã hội hóa, nhờ đó lo đầy đủ sách vở, bàn học tại nhà cho Lan. Mừng hơn cả là, mẹ của em đã sắp xếp công việc và đưa em của Lan đi nhà trẻ, để Lan đến trường không còn vất vả nữa. Cũng nhờ có tấm gương của em Lan mà sau mỗi dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, việc vận động các em học sinh ra lớp của thầy cô giáo đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Có thể nói, ở những nơi mà việc vận động học sinh ra lớp vẫn còn lắm gian nan, việc những em nhỏ hiếu học như Trình Thị Lan, vượt qua khó khăn đến trường và học giỏi đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần hiếu học. 

Hành trình đến trường của Trình Thị Lan cũng cho thấy, tấm lòng của các thầy cô giáo và sự nỗ lực trong công tác vận động học sinh ra lớp ở địa bàn vùng khó. Đồng thời, cũng giúp các thầy cô giáo có thêm động lực, để thầy cô giáo thể hiện hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề và tiếp tục đưa học sinh ra lớp, đến trường.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.