Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Dưới chân đèo Ngang...

Thành An - 16:52, 26/08/2021

Một thời, đèo Ngang ngập chìm trong khói lửa binh đao khi Trịnh, Nguyễn phân tranh cát cứ. Một thời, đèo Ngang in đậm dấu chân những tiền nhân và cả những tao nhân mặc khách xuôi Nam, ngược Bắc trên con đường thiên lý… Đèo Ngang giờ không còn “đang nghèo” như cách nói lái vui của nhiều người. Vùng đất ấy nay đã chuyển mình, thành vùng kinh tế năng động, thành khu di tích danh thắng hút khách.

Một góc trung tâm thị xã Kỳ Anh dưới chân đèo Ngang
Một góc trung tâm thị xã Kỳ Anh dưới chân đèo Ngang

Trên ải Hoành Sơn quan

Đỉnh cao nhất của đèo Ngang chính là dãy núi Hoành Sơn. Nó dựng lên như một bức tường thành giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh. Xưa kia, Hoành Sơn đã từng là địa giới, ngăn chặn sự mở rộng của phong kiến phương Bắc. Trên đỉnh đèo trầm mặc lịch sử vẫn còn hiển hiện tấm bảng phân chia địa giới hai tỉnh Quảng Bình - Hà Tĩnh. 

Câu chuyện hành hương trên đỉnh đèo, giờ chỉ còn là hoài niệm, nhường chỗ cho du lịch, trải nghiệm để thay bằng hầm đường bộ xuyên qua lòng núi. Từ trên đỉnh đèo, nhìn về phía Nam là đảo Yến, Hòn La, đền thờ công chúa Liễu Hạnh, là vũng Chùa - nơi yên nghỉ của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Còn mạn Bắc là tỉnh Hà Tĩnh với những ghềnh đá lô nhô, đâm ngang ra biển mà ngư dân bao đời vẫn gọi là hòn đá nhảy. Xa xa, là những ngôi nhà, dòng suối chảy quanh co, uốn khúc bên những ruộng lúa, rừng cây của những cư dân “Nam Hà, Bắc Bình”.

Theo con đường mòn nhỏ từ giữa đỉnh đèo, là di tích “Hoành Sơn quan” thấp thoáng giữa đồi thông xanh. Thời tao loạn, Hoành Sơn quan là cửa ải trấn giữ trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Cửa Hoành Sơn cao hơn 4 mét, được xây từ triều Minh Mạng thứ 14 (năm 1833), hiện còn nguyên vẹn, cùng với hai nền móng của tường lũy bằng đá chạy theo hai hướng vào núi và xuống biển. Những bậc đá lên xuống theo triền núi theo thời gian giờ đã hư hỏng nhiều. Giữa không gian nhuốm màu xưa cũ, bước chân những tiền nhân một thời xuôi ngược Nam, Bắc trên con đường thiên lý và cả các bậc tao nhân mặc khách dường như vẫn còn in dấu đâu đây.

Cây chè thoát nghèo trên vùng thượng Kỳ Anh sát dưới chân đèo Ngang
Cây chè thoát nghèo trên vùng thượng Kỳ Anh sát dưới chân đèo Ngang

Từ khu di tích danh thắng hút khách

Phía Nam đèo Ngang, tiềm năng của dải đất ven biển Quảng Đông - Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) đang từng bước được đánh thức. Thế mạnh của điểm đến này là du lịch tâm linh với khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đền thờ Công chúa Liễu Hạnh. Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều đảo nhỏ và bãi biển đẹp đang được đầu tư thành các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển và làng nghề kết hợp du lịch cộng đồng.

Trong lộ trình quy hoạch du lịch đến 2025 của Quảng Bình; những Hòn La, Vũng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, đảo Yến cùng với khu mộ Đại tướng, đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, Hoành Sơn quan được quy hoạch thành khu di tích, danh thắng đèo Ngang.

Mới đây, tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương cho tập đoàn Trường Thịnh đầu tư xây dựng khu du lịch Vũng Chùa - đảo Yến, với số vốn hơn 500 tỷ đồng, trên diện tích 45ha. Dự án được triển khai với mục tiêu xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển kết hợp vui chơi giải trí, du thuyền, đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng du khách. Ngoài nghỉ dưỡng biển, thăm Hoành Sơn Quan, di tích đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, nơi đây còn phục vụ khách ngắm rạn san hô, hệ sinh thái ở biển Vũng Chùa, đảo Hòn La, tham quan đảo Yến, đảo Chim.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong hồ hởi khi đề cập đến tiềm năng và lợi thế của khu di tích, danh thắng đèo Ngang kết hợp khu du lịch Vũng Chùa - đảo Yến, làng văn hóa du lịch biển Cảnh Dương. 

“Đó sẽ là điều kiện để giúp người dân cải thiện cuộc sống rõ rệt. Trong đó, phải kể tới việc hình thành Khu kinh tế Hòn La với nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng hóa, và gần đây là các dự án du lịch đang được triển khai sẽ giúp cho vùng đất ấy vươn lên, đổi thay từng ngày”, ông Phong nhấn mạnh.

Cảng nước sâu Sơn Dương của Fomosa Hà Tĩnh
Cảng nước sâu Sơn Dương của Fomosa Hà Tĩnh

Đến vùng kinh tế năng động

Từ Hoành Sơn quan nhìn về mạn Hà Tĩnh, một sức sống mới vừa sôi nổi vừa thâm trầm cứ đồng hiện trong núi, trong biển, trong những sắc màu phố xá, làng quê… của đất Kỳ Anh. Đèo Ngang giờ không còn “đang nghèo” như cách nói lái vui của nhiều người. Những công trường rền vang tiếng máy, những chuyến tàu nối đuôi nhau cập bến, những phố phường rực sáng… là minh chứng cho sự đổi thay từng ngày nơi “chảo lửa, túi mưa” này.

Sau 15 năm hình thành và phát triển, Khu kinh tế  Vũng Áng ở Kỳ Anh đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh với các siêu dự án như: Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1); Tổng kho Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất 1.200 MW… Địa thế thuận lợi, giàu tiềm năng cùng chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Hà tĩnh, Vũng Áng tiếp tục hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong tương lai. Đó cũng là cơ sở, là “đòn bẩy” để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt niềm tin khi quyết định đầu tư vào các địa phương khác của Hà Tĩnh.

Những năm qua, thị xã Kỳ Anh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III, hướng tới trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Diện mạo khu vực nông thôn và đô thị có bước thay đổi nhanh theo hướng văn minh, hiện đại. Theo đánh giá mới nhất, thị xã Kỳ Anh đã đạt 55/59 tiêu chí đô thị loại III; đạt 7/11 tiêu chuẩn trở thành thành phố. Những thành tựu đó, không chỉ là tiền đề thuận lợi cho bước phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, mà còn góp phần tạo đà cho sự bứt phá về kinh tế của toàn tỉnh Hà Tĩnh trong tương lai.

Hoành Sơn quan nhìn từ trên cao
Hoành Sơn quan nhìn từ trên cao

Lãnh đạo huyện Kỳ Anh cho biết: Đã có 18 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,83%; tổng giá trị sản xuất hằng năm đạt hơn 5.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,24 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 43 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; đang tập trung cao độ xây dựng Kỳ Đồng đạt tiêu chí đô thị loại 5. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ và hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 6,41%; hộ cận nghèo còn 5,5%.

Còn vùng thượng Kỳ Anh, sát chân dãy Hoành Sơn đã không còn những con đường đất lầy lội, những mái nhà liêu xiêu mà thay vào đó là những con đường nông thôn mới dài rộng, những đồi chè ngút ngát màu xanh. Cuộc sống của người dân nơi đất cằn đá sỏi đã thực sự ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.