Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dược liệu tự nhiên quý hiếm-Mai này còn không?

PV - 15:13, 19/10/2018

Để giữ được “kho báu” dược liệu, cùng với việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, giúp người dân địa phương có sinh kế, thu nhập ổn định thì cần có những chế tài xử lý đủ mạnh để hạn chế tình trạng khai thác tràn lan như hiện nay. Ngoài ra, ở những địa bàn có cây dược liệu quý hiếm, bên cạnh việc bảo tồn nguồn gen thì cần có chính sách mang tính đặc thù để “kéo” người dân chung tay giữ gìn, phát triển.

Bài 2: Cần có chính sách đột phá

Đưa dược liệu thành cây “xóa nghèo”

Như đã phản ánh ở kỳ báo trước, thu nhập từ việc “săn” cây thuốc bán lại cho thương lái chẳng nhiều nhặn gì; nhưng trong điều kiện đời sống khó khăn, với tâm lý “cái gì ra tiền thì làm” nên người dân địa phương vô tình trở thành một “mắt xích” trong việc “xóa sổ” nhiều loài dược liệu quý.

Như ở Nghệ An, khảo sát của Bộ Y tế cho thấy, khu vực miền núi của tỉnh có nhiều loài dược liệu có giá trị cao như sâm Puxailaleng, đẳng sâm, lan kim tuyến, sa nhân, hà thủ ô trắng, nấm linh chi đỏ, giảo cổ lam,… Tuy nhiên, hiện địa phương này cũng đã ghi nhận có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn theo “Sách đỏ Việt Nam”.

 Sâm Ngọc Linh đang trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở Quảng Nam, Kon Tum. Sâm Ngọc Linh đang trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở Quảng Nam, Kon Tum.

Ngay cả với những cây thuốc phổ biến cũng đang dần khan hiếm vì bị khai thác tràn lan. Như cây cẩu tích (cu li), theo anh Vi Văn Hà, một người chuyên “săn” dược liệu ở xã Yên Na, huyện Tương Dương, trước đây, các khu rừng trên địa bàn có rất nhiều. Thấy nhiều người đến mua, dân bản kéo nhau vào rừng chặt, nên giờ đi cả ngày cũng chỉ chặt được khoảng 20kg. Với giá thu mua của thương lái chỉ từ 1.000-2.000 đồng/kg thì thu nhập của người “săn” dược liệu chẳng đáng là bao.

Thực tế, không nhiều người đi “săn” dược liệu biết đến giá trị của cây thuốc. Đa số khi được phỏng vấn đều cho biết, thương lái cần cây gì thì họ đưa ảnh cho xem, rồi vào rừng tìm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá trị cây thuốc bị thương lái “dìm hàng” nhưng bà con vẫn chấp nhận đi “săn”.

Trong khi đó, giá trị thực của dược liệu trên thị trường cao gấp 10, thậm chí 100 lần giá trị thu mua của thương lái. Nếu bà con biết trồng, có chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì cây dược liệu đem lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho người dân miền núi.

Tại huyện Quế Phong (Nghệ An), từ năm 2016, được nguồn vốn của Chương trình 30a hỗ trợ, địa phương đã thí điểm mô hình trồng 2ha cây đẳng sâm-một cây thuốc bản địa, ở xã Thông Thụ, với sự tham gia của 12 hộ gia đình DTTS. Với kỹ thuật đào hố 0,4 x 0,4 x 0,25m thì mỗi ha có thể trồng hàng nghìn cây đẳng sâm. Sau 3 năm trồng, cây đẳng sâm sẽ cho củ tốt nhất với trọng lượng 0,3-0,5kg/củ; mỗi ha đạt sản lượng đạt trên dưới 1 tấn.

Hiện nay, trên thị trường, đẳng sâm có giá bán bình quân khi còn tươi là 150-200 nghìn đồng/kg, phơi khô là 300-350 nghìn đồng/kg; vị chi, khi thu hoạch, mỗi ha đẳng sâm đem lại thu nhập, nếu bán tươi cũng trên dưới 200 triệu đồng. Đó là chưa kể, trong thời gian chờ cây đẳng sâm phát triển có thể trồng xen canh nhiều loại cây trồng khác (ngô, sắn,…).

Đừng chỉ là… tầm nhìn!

Rõ ràng, nếu được hỗ trợ, hướng dẫn thì dược liệu sẽ trở thành cây “xóa nghèo” ở các địa phương. Theo tính toán của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa). Ví dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm; atiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20-40 triệu đồng/ha/năm…

Quan trọng hơn, qua việc triển khai mô hình, người dân địa phương trở thành chủ thể trong công tác bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu. Ngay tại huyện Quế Phong, ngoài mô hình trồng đẳng sâm thì địa phương cũng đã thí điểm mô hình trồng chè hoa vàng-một loại cây thuốc mọc tự nhiên trong rừng. Chè hoa vàng hiện có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg khô. Các hộ tham gia mô hình đã ý thức được việc bảo tồn và phát triển cây chè hoa vàng, không còn như trước đây có hiện tượng đi đào rễ, gốc bán cho thương lái.

Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình trồng dược liệu ở huyện Quế Phong nói riêng, của tỉnh Nghệ An nói chung lâu nay vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Việc thiếu một quy hoạch phát triển dược liệu tổng thể đã ảnh hưởng tới kế hoạch chiến lược của từng địa phương cũng như bố trí nguồn lực để thực hiện. Sau nhiều năm xây dựng, nghiên cứu, với nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, đến tháng 4/2018, UBND tỉnh Nghệ An mới có Quyết định số 1187/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể dược liệu tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trước Nghệ An cũng đã có một số địa phương phê duyệt quy hoạch tổng thể một số loài dược liệu có giá trị. Tuy nhiên, hầu hết các đề án vẫn chỉ mới mang tính địa phương, đặc biệt là mới chỉ dừng lại ở góc độ định hướng, tầm nhìn, đang thiếu đi một chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia.

Tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam diễn ra ở Lào Cai (tháng 4/2017), đại diện nhiều địa phương và doanh nghiệp cho rằng, cần có quy hoạch vùng dược liệu rõ ràng; chọn một số loại cây dược liệu quý làm trọng tâm như: Tam thất ở Hà Giang, Cao Bằng; y dĩ ở Sơn La, Lào Cai, Yên Bái; cây đẳng sâm ở Sơn La; ba kích ở Bắc Giang, Quảng Ninh; sâm Ngọc Linh của Quảng Nam… Ngoài ra, cần tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để thu hút doanh nghiệp tham gia vào sản xuất dược liệu; có chính sách tích tụ ruộng đất giúp doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất nguyên liệu lớn; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ, công nghệ cao trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm giá trị cao từ dược liệu…

Nhưng điều quan trọng nhất, để bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu thì trên hết là vẫn phải làm thế nào “kéo” được sự tham gia của người dân địa phương. Không còn cách nào khác, để thực hiện được thì phải nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc ở những vùng có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú; đặc biệt trong đó cần chú trọng gia tăng chuỗi giá trị đối với các sản phẩm dược liệu của đồng bào DTTS. Có như vậy, việc bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu quý mới có thể đạt mục tiêu như kỳ vọng.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Tăng cường giám sát và triển khai đồng bộ giáo dục nghề và giải quyết việc làm cho lao động DTTS

Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Tăng cường giám sát và triển khai đồng bộ giáo dục nghề và giải quyết việc làm cho lao động DTTS

Tiểu dự án 3 "Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi" Dự án 5, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Để có được kết quả đó, công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện luôn được địa phương thực hiện thường xuyên.