Đặc biệt gần đây, chị nghe được những chuyện về cướp giật, giết người khiến chị thêm hoang mang. Thấy vậy, anh Hùng (chồng chị Nhung) nghĩ ra một cách, là sẽ nhờ anh Thanh, Công an xã sống gần nhà mua hộ cho bình xịt hơi cay để chị mang theo phòng thân.
Nghe câu chuyện của anh chị, anh Thanh - Công an xã đã bật cười; nhưng ngay sau đó, anh đã giải thích rõ, nếu chị Nhung mua bình xịt hơi cay để phòng thân là vi phạm pháp luật. Anh Thanh cho biết: theo điểm b, khoản 11, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), bình xịt hơi cay được xác định là công cụ hỗ trợ.
Tại khoản 1, Điều 5 của Luật này cũng quy định rõ, nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Do đó, việc mua bình xịt hơi cay (công cụ hỗ trợ) của chị Nhung để làm vũ khí phòng thân là vi phạm pháp luật. Công cụ hỗ trợ có tính nguy hiểm cao nên người quản lý, sử dụng phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định của lực lượng Quân đội Nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an Nhân dân; cơ yếu.... Pháp luật hiện hành nghiêm cấm cá nhân sở hữu công cụ hỗ trợ.
Căn cứ các quy định trên, nếu không thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ, việc mang theo bình xịt hơi cay là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt theo khoản 3, Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức 2 - 4 triệu đồng. Nếu cố tình vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nghe anh Thanh giải thích, anh Hùng cười trừ vì thấy mình còn thiếu nhiều kiến thức về pháp luật. Anh tự nhủ, hôm nào chị Nhung làm tăng ca, anh sẽ nhờ ông bà nội trông con và sẽ đi đón vợ.