Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đúc cồng, chiêng cho đồng bào DTTS

PV - 10:55, 11/01/2019

Đến làng đúc đồng Đại Bái những ngày này, chúng tôi không khỏi choáng ngợp với những sản phẩm sang trọng như lư hương, đỉnh đồng, hạc đồng… Giữa những tiếng ồn ào của làng nghề, có một xưởng sản xuất nhiều năm nay thầm lặng chế tác các sản phẩm cho người DTTS ở miền núi xa xôi, đó là xưởng sản xuất Đức Tuấn, thôn Tây Giữa, xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Anh Đức Tuấn chế tác sản phẩm lư đồng thất lân. Anh Đức Tuấn chế tác sản phẩm lư đồng thất lân.

Từ cơ duyên với cồng, chiêng

Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất Đức Tuấn trong những ngày cuối năm, ông chủ xưởng Nguyễn Đức Tuấn đang tất bật hoàn thành chiếc chiêng cuối cùng trong bộ cồng, chiêng để xuất đi Gia Lai cho kịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Anh Đức Tuấn chia sẻ, gia đình anh đã có 3 đời làm nghề đúc đồng. Trước đây, anh đi bộ đội rồi xuất ngũ, học nghề tài chính-kế toán, sau đó, vào làm việc trong ngành Ngân hàng. Mặc dù làm trong ngành Ngân hàng có thu nhập rất khá, nhưng niềm đam mê như máu thịt với nghề truyền thống của tổ tiên truyền lại cứ thôi thúc anh phải giữ gìn, theo đuổi.

Năm 2010, anh Đức Tuấn quyết định chia tay với ngành Ngân hàng để quay về với nghề của cha ông. Khi mới bắt tay trở lại với nghề đúc đồng, gia đình anh chủ yếu làm đồ đồng thờ cúng, đồ mỹ nghệ… xuất bán tại thị trường các thành phố, thị xã. Làm những sản phẩm này vừa được giá, lại không quá tốn công.

Thế nhưng từ năm 2015 đến nay, xưởng của anh chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm như cồng chiêng, đồ đồng phục vụ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Kể về duyên nợ với vùng cao của mình, anh Tuấn cho biết, vào một ngày mùa Đông năm 2014, anh đi giao hàng cho một gia đình ở TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Khi đến địa phận huyện Lương Sơn, anh đột nhiên bị chóng mặt, nhức đầu rồi bất tỉnh giữa đường. Khi tỉnh dậy thấy mình đang ở trong một ngôi nhà đồng bào dân tộc Mường. Thấy anh tỉnh dậy, bà mẹ người Mường cho biết, anh bị cảm đột ngột nên bị ngất trên đường đi, bà đã nhờ người đưa anh về nhà sơ cứu, chăm sóc.

Sau đó, gia đình người Mường giữ anh ở lại nghỉ ngơi mấy ngày cho lại sức. Trong những ngày đó, Đức Tuấn may mắn được tham dự lễ hội của địa phương. Tại lễ hội này, anh được nghe tiếng cồng chiêng. Tận tay sờ vào những chiếc cồng chiêng ấy, anh cảm nhận đây là một sản phẩm bằng đồng rất độc đáo của đồng bào ở miền núi. Vậy là anh quyết định sau khi trở về Đại Bái sẽ đúc tặng cho gia đình người Mường này một bộ cồng chiêng.

Đến những sản phẩm độc đáo

Từ cơ duyên đó, anh Tuấn cảm thấy việc đúc cồng, chiêng cuốn hút anh đến lạ kỳ. Vậy là bắt đầu từ năm 2015 đến nay, anh chuyển hướng sang sản xuất cồng chiêng cho vùng đồng bào DTTS. Anh Tuấn chia sẻ, xưởng của gia đình chủ yếu làm cồng, chiêng cho đồng bào Mường ở Hòa Bình, Thanh Hóa. Tiếng lành đồn xa, dần dần, nhiều người DTTS ở tận Gia Lai, Kon Tum đã gọi điện đến đặt hàng.

Những bộ cồng, chiêng nhìn rất đơn giản, nhưng để làm ra nó vô cùng phức tap. Có những bộ người dân đặt, anh phải pha thêm vàng để tiếng vang xa hơn. Khó nhất trong công đoạn làm cồng, chiêng là thẩm âm thanh. Để cả bộ cồng, chiêng có thể hòa một nhịp, anh phải nhờ đến những nghệ nhân có khả năng thẩm âm tốt thẩm định tiếng trước khi xuất xưởng.

Không chỉ làm cồng chiêng cho đồng bào vùng DTTS, nhờ mối lương duyên với người dân vùng sâu, vùng xa, nhiều năm nay, anh Đức Tuấn còn làm ra các sản phẩm phục vụ cho người dân nơi đây như: chuông, khánh cho các chùa ở Đăk Lăk, Lâm Đồng…

Anh Nguyễn Đức Tuấn cũng cho biết thêm, gần đây, xưởng sản xuất của anh đã chế tác thành công việc gắn kim loại quý như vàng ròng, bạc trắng, đồng đen, đồng xanh và đồng đỏ lên cùng một sản phẩm (còn gọi là đồng ngũ sắc). Theo đó, xưởng đã cho ra lò nhiều sản phẩm độc đáo như tượng chân dung, trống đồng, chuông, khánh, lư đồng thất lân… Anh Tuấn bày tỏ hy vọng những sản phẩm đồng của mình không chỉ là những sản phẩm thương mại mà còn mang trong đó những giá trị văn hóa tốt đẹp, lưu giữ hồn cốt của dân tộc Việt Nam.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.