Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đưa “Thư viện về buôn” cho trẻ em nghèo

Lê Hường - 14:56, 27/07/2020

Nhận thấy trẻ em vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện để đọc sách, Công ty xã hội Bồ Công Anh đã vận động, xin sách để mở các thư viện cho trẻ em buôn làng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Đến nay, Công ty đã mở được nhiều thư viện ở buôn, tủ sách lớp học giúp lan tỏa văn hóa đọc đến vùng sâu, vùng xa.

Chương trình đổi sách, truyện cũ lấy rau sạch, trái cây.
Chương trình đổi sách, truyện cũ lấy rau sạch, trái cây.

Được nghỉ ngày Chủ Nhật, nhưng trong sân trường tiểu học Hai Bà Trưng, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk, các em nhỏ tập trung đông đúc để đón “Thư viện về buôn”. Trước đó, ngày 11/7, Dự án “Thư viện về buôn” cũng vừa thực hiện chương trình đưa sách về Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar với 800 đầu sách. Từ nguồn sách của Chương trình, mỗi lớp học của trường được trang bị 1 tủ sách khoảng 80 cuốn.

Để tạo nguồn cho Dự án “Thư viện về buôn”, từ đầu tháng 9/2019, Ban Quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột bắt đầu tổ chức Phiên chợ Xanh - Tử tế vào ngày thứ Bảy và Chủ Nhật cuối của tháng. Các chủ gian hàng thì trích 10% lợi nhuận từ phiên chợ để góp mua sách, người mua mang sách, truyện cũ để đổi lấy trái cây, rau sạch.

Sau 3 “Phiên chợ xanh - Tử tế” với Chương trình “Đổi sách, truyện cũ lấy bơ sáp, rau sạch, sen đá”, Dự án đã huy động được hơn 1.600 đầu sách và 11 triệu đồng. Tháng 10/2019, Dự án “Thư viện về buôn” chính thức triển khai, thư viện đầu tiên được đưa về Trường Tiểu học Lê Đình Chinh của xã nghèo Cư A Mung, huyện Ea H’leo và Trường THCS Ngô Mây ở buôn Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar.

Anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc điều hành Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, người khởi xướng Dự án “Thư viện về buôn” chia sẻ: Dự án “Thư viện về Buôn” là một Dự án phi lợi nhuận được thực hiện nhằm mục đích lan toả văn hoá đọc với quan điểm và triết lý đơn giản “sách phải được mang đến nơi cần sách”. Điểm nhấn mới mẻ trong Dự án “Thư viện về buôn” năm 2020 là kết hợp với thư viên lưu động tỉnh Đăk Lăk tặng sách và cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động cộng đồng xoay quanh không gian đọc sách như: Nặn tò he, tái chế chai nhựa, trò chơi dân gian, thiếu nhi vẽ tranh, lớp học về lòng biết ơn... Các hoạt động trải nghiệm trên nhằm mục đích tạo niềm say mê, hứng khởi cho các em, giúp các em thích đến thư viện hơn và qua đó hình thành niềm yêu thích đọc sách.

Đến nay, Dự án “Thư viện về buôn” đã trao tặng 6 thư viện sách, với khoảng 4.000 đầu sách cho khoảng 1.800 em học sinh, thiếu nhi các buôn làng vùng sâu được hưởng lợi. Mục tiêu năm 2020, Dự án “Thư viện về buôn” sẽ đưa 50 thư viện về các buôn làng. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.