Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đưa quan hệ Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới

PV - 12:28, 23/02/2022

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Singapore Halimah Yacob, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Singapore từ 24-26/2/2022.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan vào tháng 6/2021. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan vào tháng 6/2021. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm nhằm khẳng định quyết tâm phát triển kinh tế và tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh; đưa ra thông điệp quan trọng, giúp các nhà đầu tư Singapore yên tâm tiếp tục làm ăn tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay do đại dịch. Chuyến thăm đóng góp quan trọng vào nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực Singapore có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như kinh tế số, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao; đưa hợp tác kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore lên tầm cao mới trong bối cảnh một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực, đi vào triển khai.

Quan hệ Đối tác chiến lược phát triển tích cực

Những năm qua, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore phát triển tích cực. Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên vẫn duy trì trao đổi đoàn, thư/điện mừng/thăm hỏi, tiếp xúc cấp cao và các cấp; hợp tác kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội không ngừng được mở rộng. Hai bên phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; đặc biệt là cơ chế họp tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao hàng năm.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, mặc dù chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 gây ra, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Ước tính trong tháng 1/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Ở lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 2/2022, Singapore đầu tư tại Việt Nam với 2.860 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư bình quân 1 dự án là trên 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án. Đáng chú ý, trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia vào 18/21 ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Singapore đã có dự án đầu tư tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh, đứng thứ hai là Hà Nội, thứ ba là Bình Dương; tiếp theo là Bắc Ninh, Quảng Nam, Long An và các địa phương khác. Về đầu tư của Việt Nam sang Singapore, hiện có 118 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 498 triệu USD. Các dự án tập trung vào lĩnh vực: Khoa học công nghệ; bán buôn bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy, thông tin truyền thông; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh bất động sản.

Về tình hình đầu tư của Singapore vào các khu công nghiệp của Việt Nam: Lũy kế đến cuối năm 2021, các khu công nghiệp trên cả nước thu hút được 588 dự án sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 19,3 tỷ USD - đứng thứ 3/70 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trên cả nước.

Tính đến cuối năm 2021, các nhà đầu tư Singapore đã tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 13 khu công nghiệp ở Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 7.517 ha. Các khu công nghiệp có vốn của các nhà đầu tư Singapore đều đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao (trung bình khoảng 83,2%), thu hút được gần 1.000 dự án; trong đó hơn 80% là dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 18,1 tỷ USD và tạo việc làm cho gần 300.000 lao động trực tiếp.

Hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực

Trong hợp tác chuyên ngành, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Về quốc phòng - an ninh, hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế đối thoại và hợp tác thường niên hiện có. Về giao thông vận tải, Singapore là một trong những thị trường hàng không có tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam với dung lượng hành khách đến Việt Nam đứng thứ 6 (theo số liệu năm 2019). Hiện nay, các hãng hàng không Việt Nam - Singapore đã khôi phục chuyến bay thương mại thường lệ chở khách giữa hai nước với tần suất thỏa thuận là 14 chuyến/tuần cho mỗi bên. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường giữa hai nước tiếp tục được tăng cường.

Trong hợp tác phòng, chống dịch COVID-19, hai bên phối hợp chặt chẽ ngay từ khi dịch bệnh bùng phát. Singapore là một trong những nước ASEAN đầu tiên hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Việt Nam. Tháng 9/2021, Singapore đã tặng Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế quan trọng, trị giá gần 5 triệu USD. Hai bên đang tiến hành thủ tục tiếp nhận 122.400 liều vaccine AstraZeneca Chính phủ Singapore hỗ trợ Việt Nam. Về phía Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh ở Singapore diễn biến phức tạp, Quốc hội Việt Nam hỗ trợ đối tác 30.000 khẩu trang y tế. Tập đoàn Vingroup tặng Chính phủ Singapore 200 máy thở sản xuất tại Việt Nam theo bản quyền của Medtronic (Mỹ).

Hiện cộng đồng người Việt tại Singapore có khoảng 13 nghìn người, trong đó có khoảng 7 nghìn học sinh, sinh viên; hơn 1 nghìn nghiên cứu sinh, trí thức; khoảng 2,5 nghìn cô dâu Việt và 2,5 nghìn lao động. Nhìn chung, người Việt tại Singapore tuân thủ tốt luật lệ sở tại, hướng về quê hương đất nước.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tới Singapore diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực; có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023./.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.