Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện

PV - 14:20, 24/03/2022

Sáng 24/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ngày 30/3/2021, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy với nhiều nội dung mới, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008). Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Do đó, việc xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhằm triển khai thi hành áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng trên vào cơ sở cai nghiện thống nhất, đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về việc bổ sung báo cáo đánh giá tác động, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao đã phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) khẩn trương xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trong dự án Pháp lệnh về tác động xã hội, kinh tế, thủ tục hành chính và tác động về giới. Đồng thời, đánh giá thực trạng các cơ sở cai nghiện hiện nay.

Theo đó, một số cơ sở cai nghiện xây dựng lâu năm, thiết kế không đồng bộ, xuống cấp, chưa hình thành các khu cai nghiện riêng biệt, độc lập, có tính đặc thù cho người chưa thành niên cai nghiện ma túy. Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ LĐTB&XH đang rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy; nghiên cứu trình Chính phủ Chương trình tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy đến năm 2025...

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên UBTV Quốc hội, đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhất trí việc ban hành Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là một yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, bảo đảm người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ tốt nhất, khi bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cũng như bảo đảm việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực và quy phạm quốc tế dành cho người dưới 18 tuổi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi bị nghiện ma túy.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành thảo luận, 100% thành viên UBTV Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua.

Pháp lệnh đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện gồm có 5 chương, 48 điều, quy định trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành thời gian còn lại trong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Pháp lệnh quy định rõ 9 nguyên tắc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, việc thực hiện theo nguyên tắc, chỉ xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy. Việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị; bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người bị đề nghị.

Thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị. Tòa án Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án Nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Viện Kiểm sát Nhân dân kiểm soát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này; thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Viện Kiểm sát tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Pháp lệnh này.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp Tòa án trong việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi có yêu cầu của Tòa án. Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quyết định của Tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.