Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật

Hương Trà - 18:05, 24/11/2020

“Đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật …” là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu kết luận Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật vào sáng ngày 24/11. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Diễn ra ngay kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, với việc thông qua 7 luật, sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2021 và đầu năm 2022, hội nghị bàn các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả thi hành. Công tác này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và Việt Nam vừa ký kết, thực thi các hiệp định thương mại quan trọng (gần đây là Hiệp định RCEP), đòi hỏi phải cập nhật những vấn đề mới nảy sinh.

Tại hội nghị, Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020. Hội nghị nghe, thảo luận về công tác thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách pháp luật; công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật; hoàn thiện và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật. Do đó, việc tổ chức Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng thể chế, pháp luật trong hệ thống cán bộ, công chức để có hành động mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ trung tâm. Thủ tướng nhất trí với nhận định, hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi; thể chế hóa được các chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; bảo đảm sự đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị; sự vận hành thông suốt của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa; đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Ghi nhận các ý kiến nêu lên những tồn tại trong công tác này, Thủ tướng cho rằng, "vòng đời" của một số dự án luật còn ngắn, phải sửa chữa. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng xin lùi, xin rút dự án luật, pháp lệnh. Công tác thi hành pháp luật còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ để thực hiện hiệu quả; tình trạng “nợ đọng” quy định chi tiết thi hành chưa được khắc phục triệt để…

Nhấn mạnh công việc quan trọng, xuyên suốt là xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện đúng kỷ cương trong xây dựng pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này. Thủ tướng lưu ý, công tác xây dựng, thi hành pháp luật phải được quan tâm đặc biệt để đưa đất nước tiến lên bằng thể chế pháp luật, đây là một trong ba đột phá mà Đảng ta đã xác định…

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.