“Chúng tôi lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp “ Du lịch trải nghiệm văn hóa Việt - Lào ” bởi lý do Việt Nam và Lào là hai quốc gia có mối quan hệ láng giềng thân thiết, gắn bó lâu đời. Việc thăm quan lịch sử, trải nghiệm văn hóa giữa hai nước là vô cùng có ý nghĩa nhằm tăng thêm tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau. Hơn nữa hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có hơn 1.000 sinh viên Lào đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học nên sinh viên hai nước có mối quan hệ gắn bó. Vì lẽ đó, được sự phối hợp của các bạn sinh viên Lào, chúng tôi xây dựng ý tưởng du lịch, hướng đến cung cấp hướng dẫn viên du lịch địa phương, tạo việc làm cho các bạn sinh viên”. Đó là những chia sẻ đầu tiên của Nguyên với chúng tôi về ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Theo Nguyên, hiện nay, du lịch Sơn La đang trên đà phát triển, song chưa có hệ thống hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn viên người Lào. Chính vì sự thiếu hụt đó mà Việt-Lào Tour ra đời để đáp ứng yêu cầu của khách du lịch như: giới thiệu được nền văn hóa, phong tục tập quán địa phương, hướng dẫn khách du lịch thăm quan tìm hiểu nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS thông qua các lễ hội, trò chơi dân gian, điệu xòe, điệu múa…
Cùng với đó, tổ chức các tour du lịch, kinh doanh nông sản, đặc sản sạch, tổ chức các hoạt động tình nguyện…Việc liên kết các loại hình du lịch sẽ tạo được sức hấp dẫn. Hiện nay, Nguyên và các cộng sự đã kết nối, thành lập được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là sinh viên Việt Nam và Lào đang học tập tại Trường Đại học Tây Bắc. Đội ngũ này năng động, nhiệt tình, có khả năng giới thiệu, thuyết trình, am hiểu lịch sử, văn hóa của đất nước.
Đối tượng khách du lịch hướng tới là các bậc phụ huynh Lào có con đang sinh sống và học tập tại Việt Nam; người dân Lào có nhu cầu thăm quan, trải nghiệm du lịch Việt Nam; các sinh viên Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung có nhu cầu thăm quan, tìm hiểu đất nước Lào. Mô hình các bạn trẻ hướng tới, trong năm thứ nhất, thứ hai hoạt động trên địa bàn tỉnh Sơn La và 4 tỉnh Bắc Lào.
Năm thứ ba trở đi, mở rộng quy mô ra 6 tỉnh Tây Bắc và 8 tỉnh Bắc Lào. “Theo chúng em khảo sát từ các bạn sinh viên Lào, các bậc phụ huynh Lào sang Việt Nam thăm con nói riêng và người dân Lào cũng rất muốn được thăm quan, du lịch, khám phá Việt Nam nhưng do bất đồng ngôn ngữ và chưa có hướng dẫn viên địa bàn nên chưa đáp ứng được hết nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên Việt Nam trong quá trình học tập, giao lưu với sinh viên Lào cũng muốn được trải nghiệm, khám phá đất nước bạn”. Nguyên cho biết.
Để hiện thực hóa ý tưởng, Nguyên và các cộng sự đã và đang liên hệ, kết nối với các khu du lịch, homestay… để cung cấp hướng dẫn viên du lịch, tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa nhân dân, tổ chức tour du lịch khám khá, trải nghiệm tại các khu du lịch: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu (Sơn La)… Các em cũng đã liên hệ với các hộ gia đình sinh sống gần những nơi có phong cảnh đẹp, gần các điểm thăm quan để phối hợp, bố trí chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho du khách. Liên hệ, liên kết với các hộ gia đình sản xuất các sản phẩm truyền thống, đặc sản để cung cấp các sản phẩm cho khách du lịch…
Vừa qua, dự án của Nguyên là một trong số ít dự án của đồng bào DTTS lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp lần 4-2018, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng với các đối tác chiến lược như: Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Vinamit,…phối hợp tổ chức với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”. Dự án của Nguyên được đánh giá cao về tính khả thi, mang giá trị nhân văn, tính cộng đồng sâu sắc.