Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Du lịch mùa hoa - Nét riêng làm nên thương hiệu

Hồng Minh - 14:13, 29/03/2022

Trong những năm gần đây, các địa phương vùng DTTS và miền núi đã tận dụng, khai thác các thế mạnh về lễ hội văn hoá, về cảnh sắc thiên thiên để phát triển du lịch. Cùng với đó, du lịch mùa hoa đang trở thành một xu hướng mới trong lựa chọn hành trình của nhiều du khách. Lễ hội hoa ban, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội hoa sở… đã và đang tạo ra được thương hiệu riêng của mình khi gắn với hoạt động du lịch của mỗi địa phương.

Hoa mận Bắc Hà đang trở thành lợi thế giúp người dân làm kinh tế (Ảnh tư liệu)
Hoa mận Bắc Hà đang trở thành lợi thế giúp người dân làm kinh tế (Ảnh tư liệu)

Tưng bừng khoe sắc 

Vào dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch, giữa tiết xuân ấm áp, ngược ngàn lên Tây Bắc đến vùng đất anh hùng Điện Biên, sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp tinh khôi vươn lên từ đá núi của loài hoa ban. Hoa ban đã đi vào đời sống tinh thần, gắn bó với bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc và trở thành tài sản chung của Nhân dân Điện Biên. 

Đặc biệt, từ năm 2014, thứ tài sản đó, đã và đang giúp cho Điện Biên từng ngày phát triển kinh tế nhờ tỉnh đưa việc tổ chức Lễ hội Hoa Ban thành hoạt động thường niên để kích cầu du lịch.

Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên năm 2020 (thời điểm tạm dừng tổ chức Lễ hội Hoa Ban năm 2020 do dịch Covid-19), vẫn có khoảng 351.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 16.800 lượt đến du lịch tỉnh Điện Biên, cho thấy sức hút từ du lịch mùa hoa.

Những năm gần đây vùng cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai),  không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi bản sắc văn hóa vùng cao, đặc sắc của chợ phiên, mà còn đem lại những trải nghiệm mới. Đó là những mùa hoa, mùa quả đặc trưng của nông nghiệp tiểu vùng khí hậu ôn đới.

Ba năm nay, xã Tả Van Chư đã trở thành địa danh quen thuộc trên bản đồ du lịch mùa hoa của Bắc Hà. Là một trong những gia đình có vườn hoa đẹp ở Tả Van Chư, chị Giàng Thị Say, cho biết: Trước đây, chưa có nhiều du khách đến, nguồn thu nhập chính của người dân là từ những mùa thu hoạch mận quả. Nhưng gần đây, khách du lịch đến nhiều vào thời điểm mỗi mùa hoa nở rộ, nên gia đình có thêm nguồn thu nhập từ việc cho thuê trang phục của đồng bào Mông để du khách chụp ảnh." Do vậy, hằng năm, gia đình đã đầu tư trồng thêm nhiều hơn. Hiện tại, vườn mận của gia đình tôi có hơn 200 gốc mận cho hoa, quả mỗi mùa".

Trở về vùng Đông Bắc, ở mảnh đất Bình Liêu (Quảng Ninh), từ bao đời nay, cây hoa sở là loại cây bản địa trên dải đất biên cương gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Bình Liêu. Hiện nay, loài hoa này đang mang lại thu nhập cho người dân sở tại.

Được tổ chức lần đầu vào năm 2015, và được huyện Bình Liêu duy trì trở thành sự kiện thường niên, Hội Hoa Sở đang từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Vẻ đẹp của hoa ban góp phần thu hút du lịch tỉnh Điện Biên (Ảnh tư liệu)
Vẻ đẹp của hoa ban góp phần thu hút du khách đến Điện Biên (Ảnh tư liệu)

Khai thác giá trị từ những sắc hoa 

Những loài hoa  là món quà thiên nhiên ban tặng, nhưng để phát huy được giá trị của nó thì lại phụ thuộc vào chiến lược của mỗi địa phương.

Tại Lễ khai mạc Lễ hội Hoa ban năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nêu rõ: Lễ hội Hoa ban là cơ hội để Điện Biên tăng cường mở rộng kết nối, giao lưu với các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp để cùng liên kết, khai thác du lịch, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Sự lan tỏa của lễ hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu theo mục tiêu Nghị quyết 03 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; đặc biệt Lễ hội góp phần cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết 33, hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Còn tại tỉnh Lào Cai, với xu hướng thu hút khách du lịch dựa vào các mùa hoa như hiện tại, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai khẳng định: “Trong định hướng phát triển du lịch từ nay đến năm 2025, tỉnh Lào Cai luôn xác định loại hình du lịch mùa hoa cũng là một thế mạnh mang lại lợi ích “kép” trong phát triển kinh tế của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh khuyến khích các địa phương xây dựng kịch bản để phát triển mạnh loại hình du lịch này gắn với xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, dựa trên tiềm năng, lợi thế nông nghiệp mang nét đặc trưng”.

Cùng với hoa ban Điện Biên, hay hoa mận Bắc Hà (Lào Cai) thì các mùa hoa khác như hoa sở Bình Liêu (Quảng Ninh) hay hoa tam giác mạch Hà Giang… cũng đang từng ngày đua nở để làm đẹp hơn cho cảnh sắc vùng cao.

Và hơn cả từ những bông hoa bé nhỏ, lại góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội cho mảnh đất nó đang sinh sôi, đem lại no ấm cho nhiều gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.