Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dụ dỗ, đưa trẻ đi lao động ngoại tỉnh: Vấn nạn chưa có hồi kết ở Tây Nguyên

PV - 10:09, 24/04/2018

Nhiều năm nay, tại Tây Nguyên vẫn xảy ra tình trạng “cò lao động” dụ dỗ trẻ em đi làm việc ngoại tỉnh. Mặc dù, các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, nhưng tình trạng này không những không chấm dứt mà càng lan rộng hơn.

Nguy cơ bạo hành và đói rách

Đầu tháng 4, thông tin hai em nhỏ dân tộc Mông đi lang thang ăn xin giữa TP. Hồ Chí Minh đã khiến dư luận không khỏi xót xa. Sau đó, các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh. Hai em người Mông này là Sùng A Sính và Thào Văn Dơ cùng sinh năm 2007 ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk).

Em Thào Thị Gióng xã Quảng Phú, huyện Krông Nô kể lại những ngày làm việc tại xưởng may. Em Thào Thị Gióng xã Quảng Phú, huyện Krông Nô kể lại những ngày làm việc tại xưởng may.

 

Theo lời 2 em kể, sau Tết Nguyên đán có người đàn ông lạ mặt nhiều lần đến nhà các em nói chuyện, thuyết phục bố mẹ cho 2 em xuống TP. Hồ Chí Minh để đi làm nghề may. Ngày 23/3, 2 em được đưa xuống TP. Hồ Chí Minh làm việc trong một xưởng may.

Tuy nhiên, do không biết làm, Sính và Dơ thường xuyên bị đánh đập. Sau đó, 2 em đã rủ nhau trốn ra ngoài và bị lạc. Sáng 1/4, cán bộ dân phòng xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh thấy 2 em đi lang thang trong tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, áo quần rách rưới đã đưa về trụ sở UBND phường chăm sóc.

Thông tin về 2 cháu được đưa lên mạng xã hội, và UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông xác nhận là con em của đồng bào DTTS trên địa bàn. Đến sáng 4/4, UBND xã Cư Pui đã cử cán bộ lao động xã hội, chăm sóc trẻ em của xã cùng gia đình 2 cháu vào TP. Hồ Chí Minh để đưa 2 cháu về.

Còn tại tỉnh Đăk Nông, vào tháng 3, cán bộ xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, đã phát hiện có 3 người đàn ông đi ô tô về thôn Phú Vinh để dụ dỗ, đưa người xuống TP. Hồ Chí Minh lao động. Lực lượng Công an xã đưa các đối tượng trên về trụ sở làm việc, các đối tượng khai nhận đã đưa 3 em Phàng Thị Ca (16 tuổi), Phàng Thị A, Hờ Thị Gu về TP. Hồ Chí Minh làm nghề may. Trước đó, các đối tượng này cũng dụ 2 em 11 tuổi xuống nhưng chủ không nhận nên đưa các em về để tìm người thay thế, thì bị phát hiện.

Em Thào Thị Gióng, 14 tuổi, thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đăk Nông) vừa trở về từ cơ sở may mặc ở TP. Hồ Chí Minh kể: Ăn Tết xong, một người lạ đến thôn tư vấn việc làm đưa xuống TP. Hồ Chí Minh làm việc, với mức lương 16-20 triệu đồng/năm, chủ nuôi ăn ở. Em và một số bạn trong thôn đồng ý đi theo đến một cơ sở may mặc làm việc, công việc cụ thể là gấp, đóng gói quần áo và bưng bê sản phẩm, làm việc từ sáng sớm đến 23h đêm mới nghỉ, không được ra ngoài. Và lương của chúng em cũng không như họ nói.

“Cò lao động” lộng hành

Tình trạng trẻ em ở các xã vùng sâu Tây Nguyên bị dụ dỗ bỏ học đi lao động sớm ở TP. Hồ Chí Minh xảy ra nhiều năm nay. Mặc dù các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích, thâm chí xứ lý những sai phạm về pháp luật trong tuyển dụng lao động trẻ em nhưng vẫn chưa ngăn chặn được tình trạng này.

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Đăk Lăk trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 200 trẻ em trong độ tuổi 13 đến 16 bỏ học đi lao động sớm tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, Đồng Nai. Hầu hết các em là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh như huyện Krông Bông, Krông Năng, Lăk, Cư Kuin…

Được biết, trước thực trạng trên, các cấp chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, thôn buôn triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn. Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông, ngay sau khi nhận thông tin trẻ em vùng sâu bị đối tượng lạ dụ dỗ đi làm ngoại tỉnh, Sở đã cử cán bộ xuống địa bàn nắm tình hình, tuyên truyền, đồng thời chỉ đạo địa phương rà soát, nắm thông tin những em vừa trở về. Sở sẽ báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý, kịp thời can thiệp, tránh tình trạng trẻ em bị đưa đi lao động sớm.

LÊ HƯỜNG

 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.