Năm 2012, Hà Giang là một trong 10 tỉnh trên cả nước được chọn để triển khai Dự án GaVi, với mục đích chính là tăng cường năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.
Một trong những nội dung chính của Dự án, là đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế thôn, bản (YTTB). Chương trình đào tạo được xây dựng theo Chương trình dạy nghề điều dưỡng sơ cấp của Bộ Y tế và bổ sung một số nội dung của Chương trình tiêm chủng mở rộng và những nội dung phù hợp với thực tế của địa phương.
Theo bác sĩ Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang, tỉnh Hà Giang đã tổ chức 5 lớp tập huấn tiêm chủng cho 220 cán bộ y tế tuyến huyện, 29 lớp tập huấn về thực hành tiêm chủng, 32 lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho 2.270 lượt cán bộ Trạm Y tế xã. Qua đó, giúp cán bộ y tế cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực của mình.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Huynh, với đặc thù là một tỉnh miền núi, diện tích rộng, đường sá đi lại khó khăn. Nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, để đến được trung tâm xã phải mất hàng giờ đồng hồ, thậm chí nửa ngày đi bộ. Vì thế, việc tiêm chủng đầy đủ cho các đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng là một thách thức lớn đối với ngành Y tế tỉnh Hà Giang.
Nhằm khắc phục những khó khăn đó, Dự án GaVi đã hỗ trợ một phần kinh phí, mua sắm trang thiết bị thiết yếu như tủ bảo quản vắc xin, hộp lạnh… để phục vụ công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng ngoại trạm. Kết quả, từ năm 2013 đến nay, tại các điểm tiêm chủng ngoài Trạm đã tổ chức tiêm cho 179.835 lượt trẻ, đạt 96,43%, 55.833 lượt phụ nữ được tiêm phòng uốn ván, đạt 94,79% so với đề hoạch đề ra.
Anh Đoàn Anh Nhường, người dân ở xã Tiên Yên (huyện Quang Bình) chia sẻ: Trước đây muốn tiêm phòng cho các con tôi thường phải ra Trung tâm Y tế huyện, cách nhà 20km, đường sá xa xôi, đi lại rất khó khăn. Được Dự án GaVi hỗ trợ, giờ đây ngay tại Trạm Y tế xã cũng đã có đầy đủ trang thiết bị, thuốc men phục vụ nhu cầu của chúng tôi.
Dự án cũng chú trọng công tác kiểm tra, giám sát cơ sở theo phân cấp tỉnh giám sát huyện, huyện giám sát xã. Qua những đợt giám sát do Dự án tổ chức, các hoạt động y tế tuyến cơ sở đã được đánh giá một cách toàn diện, sâu sát. Qua đó, Sở Y tế đã có những hướng dẫn, bổ sung, điều chỉnh kịp thời về mọi mặt, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động ngành Y tế. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ việc tăng cường năng lực quản lý để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành Y tế.
Với những hoạt động được triển khai một cách thiết thực, đồng bộ, Dự án Gavi đã góp phần đáng kể trong việc củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế tuyến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, nhất là người dân các xã vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được với các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Hoàng Quý