Trở lại Đồng Luông lần này chúng tôi thực sự thấy có nhiều đổi khác, nhà cửa khang trang hơn, người Đồng Luông khuôn mặt ai cũng rạng ngời háo hức. Cách đây chừng dăm bảy năm, từ trung tâm xã lên bản chỉ chừng 2km mà mướt mát mồ hôi, sấp mặt lưng dốc, chân bấm xuống bùn cốt sao cho khỏi ngã mà con dốc cứ hun hút mãi chẳng tới nơi. Giờ Quốc lộ 3B đã cắt qua bản, thung lũng ngô ngày nào nay đã trồng bạt ngàn hoa, người Đồng Luông cũng tranh thủ làm du lịch kiếm đồng ra đồng vào. Vậy nhưng, bên cạnh những tâm tình rất đỗi hân hoan ấy, thì vẫn còn đó một nỗi buồn trĩu nặng, ấy là chẳng biết từ khi nào đồng bào Mông ở Đồng Luông này lại quay lưng với chính những nhạc cụ truyền thống đã làm nên “thương hiệu” đặc sắc văn hóa của dân tộc mình.
Ông Dương Văn Hờ, một cư dân Đồng Luông cho chúng tôi biết, khèn, sáo, đàn môi… giờ đa phần đã bỏ rồi, không còn ai muốn chơi nữa đâu. Ở Đồng Luông này chỉ có nhà ông Lý Văn Giàng ở Pác Giàng là còn giữ thôi, còn kèn lá chắc chỉ có con trai ông Ngô Phình là còn biết; mà giờ cũng chẳng ai còn thuộc dân ca Mông nữa. Thay vì hát dân ca, chơi nhạc cụ dân tộc, người Mông ở Đồng Luông giờ chuyển sang chơi đàn Oóc-gan, hát nhạc mới và thánh ca, ông Hờ cho biết thêm. Bản thân ông Hờ cũng đã bỏ khèn, bỏ sáo mấy chục năm nay. Khi chúng tôi hỏi, vậy trai gái muốn tìm hiểu nhau, yêu nhau mà không có khèn có sáo, không hát dân ca thì lấy gì tỏ bày, ông cười, có gì đâu, điện thoại cho nhanh à! Cứ Zalo, Facebook rồi nhắn tin cho nhau thôi, vừa nhanh vừa đỡ mất thời gian. Rời nhà ông Hờ, chúng tôi tìm đến một vài hộ dân gần đó, tất cả đều có cùng suy nghĩ như ông Hờ.
Cả một dải non trập trùng hoa cỏ, cả một không gian lãng mạn tình thơ mà thiếu vắng những âm sắc của khèn Mông, của sáo và tiếng kèn lá réo rắt gọi bạn tình thì quả là một sự hẫng hụt cho du khách khi đặt chân lên đất này. Có thể nói đó là điều hết sức đáng tiếc. Những vùng du lịch khác trong tỉnh, như hồ Ba Bể chẳng hạn, cũng là làm du lịch nhưng đồng bào Tày ở Ba Bể đã biết tận dụng thế mạnh văn hóa địa phương khi lập nên những đội văn nghệ thôn bản phục vụ khách du lịch và nhận được sự hài lòng từ du khách. Thực tế cho thấy, tại các vùng đồng bào Mông của các huyện như Ba Bể hay Pác Nặm cũng đã từng có hiện tượng đồng bào Mông bỏ khèn, bỏ sáo song nhờ có những người Mông tâm huyết với các âm sắc của dân tộc mình kiên trì động viên, khuyến khích, tập hợp, truyền dạy và thành lập nên các câu lạc bộ nhằm bảo tôn và phát triển nhờ đó mà khèn Mông ở các vùng này đã không bị mai một.
Đem câu chuyện Đồng Luông, chúng tôi trao đổi cùng ông Lâm Tiến Anh, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Mới, ông cho biết: Về công tác bảo tồn cũng như phát triển khèn Mông và một số nhạc cụ truyền thống khác tại Đồng Luông, theo ông Lâm Tiến Anh hiện hết sức khó khăn vì không có kinh phí, do đó cũng chưa thể có bất kỳ cuộc điều tra xã hội học nào để đánh giá về nhu cầu, nguy cơ và mức độ mai một của các nhạc cụ truyền thống này.
Có thể khẳng định tiếng sáo, tiếng khèn, những làn điệu dân ca Mông… ngoài giá trị văn hóa cốt lõi làm nên bản sắc tộc người còn góp một phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế- văn hóa tại địa phương. Nhất là khi Đồng Luông giờ đây đã được du khách biết đến nhiều hơn với những bạt ngàn hoa khoe sắc vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Du lịch tại Đồng Luông sẽ có sức hút lớn hơn nếu biết bảo tồn, phát huy và khai thác những thế mạnh đó. Để làm được điều này, đảng bộ, chính quyền địa phương cùng các sở, ngành liên quan cần sớm có đề án, kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các nhạc cụ truyền thống của đồng bao Mông nơi đây để tiếng sáo, tiếng khèn sẽ không mãi là một nốt lặng trên những đỉnh núi mùa xuân.
Khèn, sáo, đàn môi… giờ đa phần đã bỏ rồi, không còn ai muốn chơi nữa đâu. Ở Đồng Luông này chỉ có nhà ông Lý Văn Giàng ở Pác Giàng là còn giữ thôi, còn kèn lá chắc chỉ có con trai ông Ngô Phình là còn biết; mà giờ cũng chẳng ai còn thuộc dân ca Mông nữa”. (Ông Dương Văn Hờ, ở Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn).
HOÀNG CHIẾN THẮNG