Chúng tôi có dịp về thăm Đồng Lộc (Hà Tĩnh) vào đúng ngày 27/7, khi Nhân dân cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân những Anh hùng, Liệt sỹ, Thương bệnh binh và gia đình chính sách. Trời Can Lộc cao xanh vời vợi, từng dòng người với hoa, hương nối nhau, chậm rãi, giãn cách....bước vào khu mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong ở “Ngã ba hoa lửa Đồng Lộc”. Người thân, chính quyền các cấp và có cả đồng đội của các Chị trong trang phục thanh niên xung phong, mắt ngấn lệ.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trong thung lũng giao cắt giữa hai quốc lộ 15A và 15B, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, Đồng Lộc là yết hầu giao thông trên quốc lộ 15, thông xe từ quân khu IV, và hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đế quốc Mỹ tập trung mọi sức mạnh, lực lượng hòng cắt đứt yết hầu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tham gia chiến đấu ở ngã ba Đồng Lộc có nhiều lực lượng, pháo cao xạ, quân chủ lực… Đặc biệt, có lực lượng đã làm nên Đồng Lộc bất tử đó là thanh niên xung phong, biểu tượng chói sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lúc cao điểm ở nơi này, có tới 1,6 vạn người, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường.
Nhờ hỏa lực mạnh của Trung đoàn pháo cao xạ 210, kết hợp với các cụm hỏa lực 12,7 ly của dân quân tự vệ trong khu vực, đã tạo thành lưới lửa dày đặc trên vùng trời Ngã ba Đồng Lộc, đảm bảo an toàn cho việc thông xe, thông đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Để giữ vững mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân đã ngã xuống.
Trong đó, phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55 vào ngày 24/7/1968. Lịch sử không bao giờ quên sự hi sinh của các Chị.
Tuổi đôi mươi, sự hi sinh xương máu một thế hệ thanh niên xung phong, đã viết lên khúc tráng ca bất tử của những người trẻ sẵn sàng hiến dâng mình cho độc lập của Tổ quốc. Những nén tâm nhang, những vòng hoa được dâng lên, cùng lời tri ân sâu sắc đối với các anh hùng liệt sĩ như một lời nhắc nhở thế hệ tương lai hãy sống và làm việc cho xứng đáng với sự hi sinh cao cả của thế hệ cha, anh.
Đồng Lộc hôm nay cũng đã khang trang hơn. Đường sá phẳng lỳ bên những chứng tích đồi thông, hố bom. Nhiều quần thể di tích, nhiều hạng mục công trình ý nghĩa đã được trùng tu, xây mới. Tượng đài Chiến thắng sừng sững; Cột biểu tượng lưu niệm của ngành Giao thông vận tải cao vút giữa trời xanh. Nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc; Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được chăm sóc, xây dựng khang trang...
Từ đỉnh núi Mòi nhìn sang, nằm ở phía trái của Ngã ba Đồng Lộc là Đồi La Thị Tám, người con gái nguyên mẫu trong bài hát “ Người con gái sông La”. Ngày trước, đó là trọng điểm đánh phá của địch. La Thị Tám lại như con thoi chạy lên đồi căng mắt theo dõi quả nào phát nổ, quả nào chưa nổ để chạy xuống ngã ba Đồng Lộc cắm cờ tiêu báo cho công binh xử lý.
Giờ đây quả đồi đó được đặt tên đồi La Thị Tám - Nơi ghi dấu hành động anh hùng của “Người con gái Sông La”.
Rời thung lũng Đồng Lộc khi gần đứng bóng, trời Can Lộc như càng xanh hơn. Chuông vẫn vang lên từng hồi từ phía đồi thông… từng người nối nhau vào viếng. Nhân dân sẽ không bao giờ quên sự hy sinh của các Chị - những anh hùng liệt sỹ…