Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS ở Trà Tân không tụt lại phía sau!

Hà Thanh Tú - 16:32, 21/09/2023

“Bình quân mỗi nhân khẩu ở thôn 4 có thu nhập 36 triệu đồng/năm; 100% số hộ có điện thắp sáng, nước sạch, đất sản xuất; đường thôn, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; thôn không có tệ nạn xã hội; 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường …”, ông Thổ Đệ, dân tộc Chơ Ro, Trưởng ban công tác Mặt trận kiêm Trưởng thôn 4, xã Trà Tân (huyện Đức Linh, Bình Thuận) chia sẻ.

Đường vào xã nông thôn mới Trà Tân hôm nay
Đường vào xã nông thôn mới Trà Tân hôm nay

Chủ động thay đổi cách làm

Trà Tân là xã vùng trung du của tỉnh Bình Thuận có 2.232 hộ/8.464 khẩu với các dân tộc Kinh, Chơ Ro, Tày, Nùng, Hoa, Mường, Khmer.. cùng sinh sống, trong đó DTTS có 352 hộ. Cộng đồng các DTTS ở Trà Tân có 426,5ha đất nông nghiêp, phù hợp với cây công nghiệp ngắn, dài ngày và cây lúa nước.

Trong những năm qua, nhờ được Chính phủ đầu tư nhiều chương trình, dự án chính sách dân tộc, xã Trà Tân nói chung, thôn 4 nói riêng đang có những bước chuyển mình rõ nét. Năm 2013, xã Trà Tân bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Xã có Nghị quyết đánh giá lại tiềm năng đất đai - lao động, những tồn tại trong một số năm trước đó. Đi vào xây dựng NTM, Trà Tân đẩy mạnh phát triển kinh tế; chú trọng thương mại, dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Thôn 4 vì vậy cũng không nằm ngoài những  nhiệm vụ trọng tâm của xã Trà Tân đưa ra.

Ông Thổ Đệ với tư cách là Trưởng ban công tác Mặt trận kiêm Trưởng thôn đã đi từng nhà vận động bà con quyết tâm xây dựng NTM. Đồng thời triển khai thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Nhà nước tại địa phương. Trong quá trình vận động, tuyên truyền, ông Thổ Đệ giải thích cho người dân hiểu rõ 19 tiêu chí xây dựng NTM. Căn cứ điều kiện của từng hộ, mỗi hộ cần biết phải làm gì trước, làm gì sau. Ví dụ, hộ ông A chưa có hồ chứa nước sạch, hệ thống cấp nước, cần vay vốn lắp đặt. Hộ ông B cần vốn lập dự án nông nghiệp nông thôn quy mô nhỏ thì liên hệ ở đâu để được hỗ trợ. Để vươn lên thoát nghèo, bà con cần xác định trồng cây gì, nuôi con gì để vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách để đầu tư phát triển.

Đồng bào Chơ Ro học cách sản xuất rau thuỷ canh
Đồng bào Chơ Ro học cách sản xuất rau thuỷ canh

Bên cạnh đó, danh sách các hộ DTTS cần vay vốn ưu đãi nhằm tạo công ăn việc làm, vốn phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM, vốn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư vươn lên thoát nghèo… cũng được rà soát, tổng hợp và gửi lên UBND xã và Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Trà Tân để triển khai thực hiện, giúp đồng bào nhanh chóng tiếp cận vốn vay. Từ năm 2020 - 2022, đã có 231 hộ đồng bào ở Trà Tân được tiếp cận vốn vay từ 12 chương trình vay ưu đãi, với tổng vốn vay 11,072 triệu đồng. Nhờ đó, hàng trăm gia đình đồng bào DTTS có điều kiện đầu tư vào sản xuất, thâm canh cây trồng, sửa sang nhà cửa, chuồng trại… vươn lên thoát nghèo.

Nông thôn khởi sắc

Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi, đồng bào các DTTS ở thôn 4, xã Trà Tân đã đầu tư vào nâng cao năng suất cho 100 ha ruộng 2-3 vụ/năm, 27 ha cao su, hơn 200 ha đất rẫy và đồng cỏ. Thôn tập trung thâm canh cây điều, cao su, lúa Đông Xuân (vụ chính trong 3 vụ), nuôi bò, dê… theo hình thức trang trại và gia đình. Đến nay, năng suất lúa Đông Xuân bình quân đạt 5 tấn/ha, tăng 2 tấn so với trước. Lượng bò thương phẩm có trong dân lên đến hàng trăm con. Nhờ vậy khi cần thiết, người dân có thể bán bò để giải quyết nhu cầu vốn…

Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thôn 4 còn đi những bước xa hơn là tham gia vào quá trình cung cấp lao động cho xã hội. Nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của một số công ty làm hàng xuất khẩu như: Tafa Việt, Đona… Từ năm 2018 đến nay, đã có 280 hộ/337 hộ dân tộc Chơ Ro ở thôn 4 có thành viên trong gia đình làm công nhân, mức lương bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Cũng từ đây, thôn 4 có sự phân công lao động giữa các lứa tuổi. Người lao động lứa tuổi từ 40 – 50 sản xuất nông nghiệp. Lứa tuổi thanh niên từ 20-35 tuổi phần lớn làm công nhân.

Về lĩnh vực giáo dục, nâng cao dân trí, nhiều năm qua, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tại thôn 4 luôn đạt 100%. Đối với các em học sinh THCS, THPT là người DTTS ở thôn cũng được cán bộ thôn và nhà trường hướng dẫn, tư vấn các chế độ chính sách dân tộc để hướng dẫn cho gia đình có con em đi học, cán bộ thôn hướng dẫn nộp đơn xin vào Trường Dân tộc nội trú tỉnh để giảm bớt khó khăn. Nhờ vậy, nhiều năm nay, con em học sinh người DTTS ở thôn 4 luôn được hưởng nhiều chế độ, chính sách trợ cấp của Nhà nước…

Chúng tôi thăm Trà Tân khi xã được công nhận xã NTM nâng cao đầu tiên của Bình Thuận. Trong nhiều tiêu chí NTM nâng cao đạt được, có tiêu chí cả xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Số nhà đạt tiêu chuẩn về diện tích của xã là 2.117 căn, trong đó có 270 căn của đồng bào.

Ông Thổ Đệ, dân tộc Chơ Ro, Trưởng ban công tác Mặt trận, kiêm Trưởng thôn 4
Ông Thổ Đệ, dân tộc Chơ Ro, Trưởng ban công tác Mặt trận, kiêm Trưởng thôn 4 là điển hình trong phát triển kinh tế.

Trong mạch chuyện về đồng bào DTTS, chính quyền cho hay: Nhờ thực hiện nhiều biện pháp, đặc biệt là bám sát chủ trương của cấp uỷ xã, đồng bào các DTTS ở Trà Tân nói chung, thôn 4 nói riêng đã chuyển mình rõ nét. Về thôn 4 hôm nay cứ ngỡ như đi vào một phố thị bởi nhà cửa khang trang, đường sá sạch đẹp, môi trường bảo đảm, không bị ô nhiễm. 100% số hộ dân không còn cảnh thiếu đói. Nhiều người sắm được các phương tiện cơ giới phục vụ canh tác và làm dịch vụ. Hoạt động dịch vụ, thương mại… với đồng bào không còn là xa lạ. Điển hình như gia đình ông Trưởng thôn Thổ Đệ đã mua sắm được máy cày, máy múc, xe tải… Thu nhập từ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ năm. Đến tháng 9/2023, cả thôn chỉ còn 7 hộ nghèo.