Bên thềm Xuân mới Tân Sửu 2021, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng) như vui hơn khi xã về đích nông thôn mới (NTM) trong năm 2020. Đây là xã thứ tư trong huyện Hòa An về đích NTM trong thời gian qua.
Trong 5 năm (2015-2020), xã đã huy động trên 52 tỷ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng, bê tông hóa 100% tuyến đường liên thôn, xã. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn trên 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/người/năm…
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Hòa An giảm từ 35,78% (năm 2015) xuống còn 21,39% (năm 2020); số xã đạt tiêu chí quốc gia về NTM tăng 3 xã (đạt 250% so kế hoạch)…
Năm 2020, từ sự vận động của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân xóm Na Lữ, xã Hoàng Tung đã ủng hộ 128 triệu đồng và gần 1.000 ngày công lao động để hoàn thành tuyến đường nội thôn dài trên 1.000 mét.
Bà Hoàng Thị Lập, Người có uy tín xóm Na Lữ phấn khởi: “Con đường nối từ khu dân cư của xóm ra cánh đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bà con lao động, sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo”.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trong 2 năm (2018 - 2019), bà Lập đã giúp vốn và con giống cho 2 hộ dân phát triển kinh tế, từ đó vươn lên thoát nghèo. “Đời sống người dân trong xóm đã có những bước chuyển mới, tích cực. Xóm có 56 hộ dân, hiện chỉ còn 2 hộ nghèo. Tôi sẽ cố gắng vận động và giúp đỡ để 2 hộ thoát nghèo trong năm 2021”, bà Lập chia sẻ.
Còn tại xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), ông Đào Xuân Thính, dân tộc Mông, Người có uy tín đã và đang là chỗ dựa tin cậy Nhân dân xóm Rằng Khoen.
Cách đây chừng 4 năm, tận dụng mỏm đất nơi khe đá, ông Thính trồng 1.000m2 cỏ voi nuôi 7 con bò, mỗi năm bán 2-3 con, thu nhập gần 90 triệu đồng. Để tạo điều kiện, ông gửi cho bà con nuôi 6-7 con bò, khi bò đẻ, ông chia cho gia đình đó con bê để nuôi. Đến nay, 100% hộ trong xóm đều nuôi bò, bình quân mỗi hộ có 4 con bò. Hộ nhiều nhất nuôi hơn 10 con bò. “Từ 100% hộ nghèo trước đây, đến nay cả xóm chỉ còn 22 hộ”, ông Thính tự hào.
Tại tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi có mặt ở xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn vào những ngày trung tuần tháng 01/2021. Tại đây, không khí thi đua, lao động sản xuất ngập tràn trên các cánh đồng, ruộng nương. Tay nâng niu những cây ngô xanh non, chị Triệu Thị Hồng vui mừng: Năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình 135, gia đình tôi được hỗ trợ giống ngô, phân bón và một máy tẽ ngô. Đây là động lực để gia đình tôi phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Chị Hồng là một trong số 18 ngàn hộ nghèo trong toàn tỉnh Bắc Kạn được hỗ trợ sản xuất trong thời gian qua. Từ nguồn vốn Chương trình 135, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ trên 13 ngàn lượt hộ nghèo, 4.500 hộ cận nghèo và 440 hộ mới thoát nghèo.
Riêng năm 2020, tỉnh đã đầu tư 100 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, và 24 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, với hơn 500 hộ hưởng lợi. Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, người dân đã biết áp dụng KHKT và tiếp cận dần với sản xuất hàng hóa bằng những mô hình phù hợp. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 29, 40% (năm 2016) xuống còn trên 19% (năm 2020).
Tìm hiểu được biết, từ năm 2016 đến nay, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung thực hiện tốt Nghị quyết của tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương. Ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: Tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Các chính sách chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ nhóm hộ, tạo điều kiện cho đồng bào chủ động, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng DTTS và miền núi của tỉnh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Không riêng Cao Bằng, Bắc Kạn, những ngày này, một không khí hăng say lao động đang lan tỏa trên khắp các bản làng vùng DTTS trên cả nước.