“Đóng góp khi lành để dành khi ốm…”
Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành để dành khi ốm". BHYT cũng nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền BHYT nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Nếu như các năm 2009, 2015, độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến nay, độ bao phủ đã đạt khoảng 88% dân số, tương ứng trên 86,2 triệu người tham gia, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.
Theo chia sẻ của anh Nông Văn Linh, dân tộc Tày ở thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn: “Gia đình tôi có 4 người đều khỏe mạnh nhưng hàng năm nhà tôi vẫn tham gia BHYT vì mức đóng bảo hiểm không cao, mà quan trọng hơn là để phòng khi ốm đau có BHYT đi viện cũng đỡ chi phi phần nào”.
Nhiều dịch vụ , thuốc mới.
Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, mỗi năm, Quỹ BHYT chi trả từ 100.000 đến 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm.
Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: ung thư, tim mạch, suy thận... Vì vậy, từ nhiều năm nay, thẻ BHYT đã được phần lớn người dân coi như "phao cứu sinh", là "thẻ hộ mệnh" không thể thiếu của mỗi người.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, Quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng. Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị Quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2-1,3 triệu/lượt.
Ngoài ra, danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT, với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Theo chia sẻ chị Lò Thị An, dân tộc Thái ở Sơn La: "Gia đình tôi nếu không có BHYT thì chắc mẹ chồng tôi không thể sống được đến bây giờ. Vì mẹ chồng tôi bị suy thận lâu năm, thường xuyên phải đi viện nên chi phí rất tốn kém. Khi biết đến lợi ích của BHYT là tôi mua ngay cho mẹ tôi. Kể từ khi có BHYT, gia đình tôi như nhận được phao cứu trợ. Tôi thật sự rất cảm ơn Nhà nước đã có những chính sách an sinh mang lại nhiều lợi ích cho người dân như BHYT ”.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, song song với việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm, BHXH Việt Nam tiếp tục xây dựng và đề xuất tới Nhà nước để đưa ra những chính sách mới, nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT.
Có thể thấy, tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.