Tìm lại bản sắc
Bà Trạc Thị Ngọn, 80 tuổi, dân tộc Cao Lan bồi hồi nhớ lại, lúc còn là con gái, bà sống cùng gia đình ở vùng Đèo Gia, huyện Lục Ngạn. Khi ấy, bà đã biết dệt những bộ trang phục thổ cẩm cho chính mình và trong ngày cưới, bà mặc bộ trang phục truyền thống về nhà chồng. Theo phong tục lúc ấy, người con gái Cao Lan lấy chồng phải đeo một cái yếm dệt những họa tiết hoa văn cầu kỳ, có quai phía trước thì mới được xem là “gái tân”. Năm 1955, cả gia đình bà chuyển về sống tại Khe Nghè. Rồi thời gian trôi đi, những bộ trang phục cầu kỳ ở bản Khe Nghè không ai còn gìn giữ được, bà Ngọn luôn trăn trở tìm mọi cách để có được một bộ làm kỷ niệm lúc cuối đời. Lặn lội về tận quê cũ ở Lục Ngạn tìm mua trang phục dân tộc không được, những người Cao Lan ở Khe Nghè cũng đã bỏ nghề dệt từ lâu.
Năm 2005 bà Ngọn đã tập hợp một số người cao tuổi trong bản tìm cách khôi phục nghề dệt. Cả bản Khe Nghè lúc đó chỉ còn 5 người còn nhớ các công đoạn dệt, bà Trạc Thị Ngọn, Tô Thị Thọ, Trạc Thị Phúc là một trong số ít những người còn lại trong số đó. Bà Ngọn cho biết: “Gia đình tôi vẫn còn bộ khung cửi cũ được cất giữ cẩn thận hơn 20 năm qua, nay lại được đem ra sử dụng”. Bà còn nói, gia đình đã dệt một bộ trang phục thật đẹp và gửi tặng Bảo tàng tỉnh Bắc Giang trưng bày, giới thiệu, gìn giữ và bảo tồn nghề dệt thủ công mà bà cùng nhiều nghệ nhân khác mất nhiều công sức để khôi phục.
Hỗ trợ bảo tồn
Từ đầu năm 2006, đồng bào Cao Lan ở đây ai cũng phấn khởi khi có một chương trình hỗ trợ kinh phí của Nhà nước nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Nhóm nghệ nhân ở Khe Nghè được thành lập, từ việc chỉ có 3 bộ khung dệt thì đến nay tăng lên 24 bộ, số người biết dệt cũng tăng lên 30 người. Lớp trẻ người Cao Lan ở đây dần được bà Ngọn cùng các nghệ nhân khác truyền dạy để gìn giữ nghề dệt.
Hiện nay, gia đình bà Ngọn cả con trai và con dâu đều là những người thành thạo các công đoạn dệt và thêu. Sau khi được khôi phục, đồng bào trong bản Khe Nghè vui mừng vì nhiều lần được mời đi tham dự, trình diễn trong những ngày hội lớn của tỉnh và của huyện như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang, Ngày hội văn hóa thể thao vùng Đông Bắc tổ chức tại Vĩnh Phúc… Bà Ngọn cũng thường xuyên trình diễn nghề dệt truyền thống cho học sinh trong tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, tìm hiểu. Và phần thưởng cao quý cho những nỗ lực ấy là năm 2015, bà Trạc Thị Ngọn đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Gìn giữ cho muôn đời
Anh Dương Văn Quang, Bí thư Chi bộ bản Khe Nghè chia sẻ, mong muốn nghề dệt của quê mình không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn mà cần phải được mở rộng và phát triển hơn, bà con ở đây cũng mong nhận được thêm sự hỗ trợ để có thể thăm quan, học hỏi các mô hình sản xuất dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc ở nhiều vùng khác, vừa để giao lưu, học tập kinh nghiệm, tìm mẫu mã mới và thị trường tiêu thụ.
Về vấn đề bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cao Lan ở bản Khe Nghè, lãnh đạo xã Lục Sơn cho biết, huyện Lục Nam đã có chủ trương mở rộng mô hình, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm. Cụ thể là, trong 5 chương trình phát triển kinh tế của Đảng ủy xã, đã đề cập đến vấn đề xây dựng nhà trưng bày sản phẩm du lịch tại khu vực Trại Cao trên tuyến đường 293 Bắc Giang- Tây Yên Tử, giới thiệu và bán đồ lưu niệm, việc giúp đỡ bà con học hỏi kinh nghiệm dệt, thêu, thay đổi, làm phong phú về chủng loại, mẫu mã cũng đã được chính quyền tính đến. Bên cạnh đó, việc xây dựng 2 chiếc cầu qua suối, giúp bà con đi lại thuận tiện là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội...
PHẠM THỊ NGOAN