Điệp khúc thừa-thiếu, trồng-chặt
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt phía Nam, tổng sản lượng cây trái hằng năm trong khu vực đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Trong đó, có nhiều loại cây ăn trái có diện tích trồng hơn 10 nghìn ha như: xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, cam, bưởi, nhãn, khóm, chôm chôm, mít, bơ, mãng cầu…
Tuy nhiên, khu vực ĐBSCL hiện nay nổi lên vấn đề là diện tích trồng của nông dân nhỏ lẻ, phân tán, gây khó khăn trong việc cơ giới hóa và áp dụng những phương thức sản xuất theo hướng an toàn như VietGAP, GlobalGAP. Đây là lý do diện tích sản xuất theo hướng an toàn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%. Nông dân thường chạy theo số lượng nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, gây ảnh hưởng đến uy tín trái cây của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Khẩn, Chủ tịch xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau) cho biết: Từ năm 2017-2018, trên địa bàn có trồng hơn 500ha chuối già Nam Mỹ xuất khẩu. Tuy nhiên mô hình này chưa thành công là do khâu thu hoạch thủ công, không đủ đảm bảo chất lượng về khâu sau thu hoạch, nên sai hợp đồng với đối tác, dẫn đến việc sản phẩm bị loại. Mùa vụ đó, doanh nghiệp đầu tư và hộ dân dân lỗ hàng chục tỷ đồng khiến bà con lại tiếp tục chặt bỏ chuối rồi trồng các loại hoa màu khác… Hiện nay, khó khăn lớn nhất là ngành nông nghiệp các địa phương chưa dự báo chuẩn xác về thị trường tiêu thụ dẫn đến điệp khúc lúc thiếu, lúc thừa, trồng rồi lại chặt kéo dài bao năm qua.
Cần có những giải pháp căn cơ
Để ĐBSCL phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững đáp ứng thị trường xuất khẩu, thời gian tới, theo Cục Trồng trọt phía Nam, cần phải tổ chức lại sản xuất theo vùng quy hoạch, mỗi tỉnh cần xác định, một số cây thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu về tập quán canh tác có lợi thế trong sản xuất để tập trung đầu tư, từ quy trình, quy hoạch, đến chế biến bảo quản.
Về khoa học công nghệ, cần đặc biệt quan tâm khâu chọn giống tốt để đưa vào sản xuất, bảo đảm các giống này có năng suất cao, chất lượng tốt, vừa kháng được sâu bệnh. Mặt khác, tiếp tục chọn lọc lại những giống ở địa phương có lợi thế đặc trưng.
Trao đổi tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề “Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu” do Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang vừa tổ chức vào ngày 26/7 vừa qua, ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: Thời gian tới, cần tăng cường thúc đẩy việc tư vấn chính sách hỗ trợ hình thành HTX kiểu mẫu mới. Đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến, kể cả giống cây trồng và cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, khuyến khích cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và cây ăn trái nói riêng, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dạng chuỗi.
SONG VY