Tết Kỷ Hợi này, gia đình chị Lò Thị Thơm, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên vui hơn những năm trước. Kinh tế gia đình ổn định, có lúa có ngô để dành. Chị Thơm kể, trước đây kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, được các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Pa Thơm hỗ trợ gần chục cân ngô giống, tiền mua phân bón, giúp ngày công trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nhờ sự giúp đỡ đó, vụ ngô vừa rồi, gia đình chị Thơm thu được hơn chục bao ngô. Chị Thơm chia sẻ: Không chỉ có lương thực, tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô đạt năng suất cao, không bị sâu bệnh. Từ nay, có thể tự chăm sóc cây ngô, cây lúa để ổn định cuộc sống rồi.
Giống như hộ chị Thơm, gia đình anh Lò Văn Đông ở Đội 18A, xã Thanh Chăn là một trong hàng chục hộ thuộc diện nghèo ở địa phương được nhận hỗ trợ giống lúa, ngô và tiền từ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm. Với sự hỗ trợ đó, anh Đông cùng nhiều hộ dân ở Thanh Chăn đã có điều kiện để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Pa Thơm còn chú trọng đến việc mở rộng diện tích đất canh tác (trong ba năm (2016-2018), diện tích canh tác trên địa bàn 2 xã Thanh Chăn và Pa Thơm được mở rộng từ 70ha lên trên 100ha). Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm còn chủ động hướng dẫn đồng bào các dân tộc kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lúa, ngô cho năng suất cao. Đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới với năng suất, hiệu quả cao như mô hình nuôi dê sinh sản, nuôi lợn thịt; mô hình trồng rau màu chuyên canh…
Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm cho biết: Với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm, đời sống kinh tế-xã hội của đại bộ phận đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã có những bước chuyển đáng mừng. Phương thức sản xuất, khoa học kỹ thuật được áp dụng trên cánh đồng đã từng bước đem lại nguồn lương thực ổn định cho bà con. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Pa Thơm đã giảm mạnh (từ 55% năm 2016 xuống còn trên 42% năm 2018; lương thực bình quân đầu người hơn 630kg/người/năm, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/năm.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Lò Văn Ván, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Thơm cho biết: Với tinh thần “4 cùng” với người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm xác định là một “điểm tựa” vững chắc trong việc giúp đỡ đồng bào các DTTS trên địa bàn phát triển kinh tế. Nhiều năm qua, những mô hình trang trại, chăn nuôi, trồng rau xanh tiêu biểu của cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Pa Thơm đã phát huy hiệu quả và giúp được rất nhiều cho người dân.
Có thể nói, sự bình yên và khởi sắc của bản làng các dân tộc Lào, Khơ-mú, Cống trên địa bàn 2 xã biên giới của huyện Điện Biên có được như ngày hôm nay một phần nhờ sự chung tay, đóng góp công sức tích cực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm. Thầm lặng mà thiết thực, cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm đã và đang tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới; xứng đáng với những tình cảm yêu thương, trân trọng của đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên.
Năm 2018, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm đã giúp Nhân dân 2 xã Thanh Chăn và Pa Thơm xây dựng 2 căn nhà với 20 ngày công; sửa chữa trường mầm non; hỗ trợ 16 triệu đồng xây nhà vệ sinh tự hoại cho 2 hộ có hoàn ảnh khó khăn; hỗ trợ ngô giống và 15 ngày công cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn... Đồn Biên phòng Pa Thơm còn nhận đỡ đầu 5 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 xã Thanh Chăn, Pa Thơm, hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”.
MINH THU