Điểm sáng từ những mô hình
Về xã Tân Mỹ những ngày này, chúng tôi vui mừng phấn khởi chứng kiến bà con nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lạc. Chị Quan Thị Hiên ở thôn Pác Có, xã Tân Mỹ cho biết, trước đây, gia đình chị chủ yếu luân canh các loại hoa màu như ngô, đỗ, lạc... Mặc dù trồng nhiều loại cây nhưng thu nhập đưa lại chẳng đáng là bao. Từ năm 2018, được sự hướng dẫn của cán bộ huyện, chị tham gia mô hình thâm canh lạc 2 vụ. Để thực hiện mô hình này, chị chuyển đổi phương thức canh tác bằng cách phủ nilon cho ruộng lạc. Qua quá trình chăm sóc, chị thấy phương pháp này có ưu thế vượt trội như tỷ lệ cây mọc cao, giảm được công làm cỏ, chăm sóc, cây phát triển tốt, củ lạc chắc, không bị thối… nên năng suất cũng cao hơn từ 20% đến 30% so với trước đây.
Nói về chương trình này, chị Quan Thị Hằng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Chiêm Hóa cho biết: Từ năm 2018, huyện Chiêm Hóa triển khai mô hình trồng lạc theo phương pháp tiên tiến bằng giống L 14 nguyên chủng. Mô hình được thực hiện trên 53ha tại 4 xã: Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang và Yên Nguyên. Các hộ tham gia được hỗ trợ tiền mua nilon và một phần tiền giống, thuê máy làm đất và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn.
Sau một thời gian thực hiện, kết quả cho thấy, việc che phủ nilon cho lạc làm tăng nhiệt độ đất, giúp cây phát triển nhanh ở giai đoạn mọc mầm; giữ ẩm đất tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi ở các giai đoạn sau, hạn chế cỏ dại, sự rửa trôi chất dinh dưỡng nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, trừ chi phí, người trồng lạc lãi trên 30 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả mang lại, vụ xuân 2019, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã nhân rộng lên 132,4ha lạc trồng theo phương pháp che phủ nilon tại 11 xã.
Không chỉ riêng mô hình trồng lạc, nhiều mô hình kinh tế khác được triển khai ở Chiêm Hóa cũng đang phát huy tác dụng. Về xã cách mạng Kim Bình, chúng tôi chứng kiến đời sống của đồng bào các DTTS đang ngày càng thay da đổi thịt. Đây cũng là xã đã về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015. Góp phần cho sự thành công này, không thể không nói đến mô hình kinh tế của các hộ gia đình. Điển hình như mô hình nuôi thỏ xuất khẩu của gia đình anh Lục Văn Thùy. Hiện, đàn thỏ của anh Thùy có hơn 500 con. Mỗi năm, anh xuất bán đàn thỏ, thu lãi gần 80 triệu đồng/tháng. Một số thôn khác, nhiều đoàn viên, thanh niên lại đầu tư trồng cây có múi và bí siêu quả. Hộ anh Ma Vĩnh Tích, thôn Pác Chài có diện tích trồng chanh tứ thì lớn nhất trong xã với trên 1.000 cây chanh. Ngoài trồng chanh, anh còn có 5 sào bí siêu quả và mới đầu tư trồng 150 cây bưởi. Hiện mỗi năm, gia đình anh thu trên 100 triệu đồng.
Diện mạo mới đón chào Đại hội
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, ông Ma Phúc Hà, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa phấn khởi cho biết, trong 5 năm qua, huyện Chiêm Hóa đã cơ bản thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, nỗ lực phấn đấu phát huy nội lực và có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.
Cụ thể, nhiều chính sách dân tộc trên địa bàn được triển khai có hiệu quả. Giai đoạn 2014-2019, huyện Chiêm Hóa được bố trí trên 130 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Với số vốn này, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn với 218 công trình, như: công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, lớp học, công trình điện, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình y tế.... Hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 5.000 lượt hộ DTTS, gồm các loại giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ mua máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy phun thuốc trừ sâu, máy cắt cỏ...
Bên cạnh đó, Chiêm Hóa cũng tích cực đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng theo Chương trình 135. Điển hình, thời gian qua, huyện đã đào tạo kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản và sản xuất nông lâm nghiệp cho 1.500 đối tượng là ban quản lý, ban giám sát xã và trưởng thôn, các tổ chức đoàn thể thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS...
Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, huyện Chiêm Hóa đã đầu tư xây dựng 04 công trình nước sạch sinh hoạt tập trung trên 6 tỷ đồng, với trên 400 hộ đồng bào DTTS được hưởng lợi; hỗ trợ 2,1ha đất sản xuất cho 61 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 628 hộ để mua téc chứa nước, xây bể nước, đào giếng nước, mua và lắp đặt đường ống dẫn nước. Tổng kinh phí thực hiện chương trình trên 1,3 tỷ đồng.
Ông Ma Phúc Hà nhận định, trong những năm qua, chính sách dân tộc đã hòa cùng các chính sách khác để trở thành điểm tựa thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương. Theo đó, bộ mặt nông thôn, miền núi Chiêm Hóa đã ngày càng khởi sắc.
Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Chiêm Hóa chiếm 36,21%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống 21,12%. Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn, đến nay Chiêm Hóa có 05 xã (Kim Bình, Yên Nguyên, Vinh Quang, Hoà Phú, Phúc Thịnh) đạt 19 tiêu chí NTM, chiếm 20%; 11 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, chiếm 44%; 9 xã đạt từ 6-9 tiêu chí, chiếm 36%. Bình quân tiêu chí NTM trên địa bàn huyện đạt 13 tiêu chí/xã. Huyện đang phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM.
Trong 5 năm qua, huyện Chiêm Hóa đã cơ bản thực hiện tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, nỗ lực phấn đấu phát huy nội lực và có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.” (Ông Ma Phúc Hà, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa)
NHƯ ANH