Làm cơ sở xây dựng chiến lược mới
Tổng điều tra dân số và nhà ở được Tổng cục Thống kê thực hiện theo qui trình 10 năm một lần trên phạm vi toàn quốc. Năm 2019 là lần thứ tư tiến hành tổng điều tra, thực hiện tại 712 quận, huyện, thị xã và 11.165 xã, phường, thị trấn tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 Bộ có tính đặc thù: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) cho thấy, đối tượng của cuộc tổng điều tra năm 2019 bao gồm tất cả người Việt Nam thường xuyên cư trú trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam tính đến thời điểm điều tra; người Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất cảnh ra nước ngoài trong thời hạn quy định; các trường hợp chết của hộ dân cư đã xảy ra từ ngày 1 Tết âm lịch Mậu Tuất năm 2018 (tức ngày 16/02/2018 theo dương lịch) đến hết ngày 31/3/2019; nhà ở của hộ dân cư.
Tổng điều tra năm 2019 thu thập thông tin trên 2 nhóm phiếu là điều tra toàn bộ và điều tra mẫu. Nhóm phiếu điều tra toàn bộ gồm 22 câu hỏi gồm điều tra các thông tin về dân số cơ bản và thông tin về nhà ở của hộ.
Nhóm phiếu điều tra chọn mẫu phức tạp hơn và mẫu được tiến hành trên 15% dân số cả nước, với 65 câu hỏi, ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin khá nhạy cảm liên quan đến dân số; lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở…
Theo ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, những thông tin về dân số và nhà ở thu thập được từ tổng điều tra vừa phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, vừa là căn cứ để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Nhiều điểm mới
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương, tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp và điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh-phiếu điện tử. Trong một số trường hợp, điều tra viên có thể sử dụng phiếu giấy để điền thông tin. Hộ tự cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của tổng điều tra.
Đáng chú ý nhất là trong suốt quá trình điều tra, các công đoạn đều ứng dụng công nghệ thông tin. Riêng đối với lĩnh vực thu thập thông tin sẽ áp dụng thêm hai hình thức thu thập thông tin mới là điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (còn gọi là Webform).
Do thay đổi về phương pháp và hình thức thu thập thông tin, nhiều công đoạn khác của Tổng điều tra cũng đã được thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm: Lưu trữ và sử dụng sơ đồ nền xã/phường, lập danh sách thôn/tổ dân phố và địa bàn điều tra, lập và cập nhật bảng kê hộ, chọn mẫu hộ, nhắn tin và gửi thư điện tử (email) đến các hộ đăng ký thực hiện Webform, kiểm tra và duyệt số liệu trực tuyến. Việc cải tiến này đem lại những lợi ích thiết thực trong nâng cao chất lượng số liệu, tăng tính minh bạch và chặt chẽ của quy trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian công bố kết quả Tổng điều tra, giảm kinh phí điều tra thống kê trong dài hạn.
Đặc biệt, theo phương án của Tổng cục Thống kê, với cách làm chặt chẽ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình điều tra, kết quả của tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được kỳ vọng sẽ là căn cứ để đề xuất tiến tới không thực hiện tổng điều tra vào năm 2029.
Theo kế hoạch, kết quả sơ bộ của tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7/2019; kết quả điều tra mẫu vào quý IV/2019; kết quả điều tra toàn bộ vào quý II/2020; các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV/2020.
MINH THU