Sáng 26/9, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên y án 8 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với nguyên giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước. Trước đó, tại phiên toà xét xử sơ thẩm vào tháng 6, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên phạt 8 năm tù giam và 4 năm quản chế sau khi chấp hành án phạt tù đối với Đặng Đăng Phước về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Đặng Đăng Phước sinh năm 1963, trú tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Năm 1993, Phước tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế, sau đó làm giảng viên âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Được biết đến là thầy giáo dạy nhạc hát hay và có kiến thức tốt về âm nhạc, thế nhưng thay vì vận dụng kiến thức, hiểu biết đã học được để truyền tải những lời hay ý đẹp, kiến thức âm nhạc cho các thế hệ học trò thì y lại lợi dụng ngay cả diễn đàn dạy học để xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, đả kích chế độ. Trước đó, từ năm 2012, Đặng Đăng Phước bắt đầu sử dụng mạng Internet để tham gia vào các hoạt động chống đối do một số đối tượng trong và ngoài nước phát động. Cụ thể là Phước đã đăng tải, chia sẻ hơn 200 bài viết có nội dung công kích lãnh đạo cấp cao và chính quyền, xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội trong nước; công khai bôi nhọ lực lượng CAND; lợi dụng các vấn đề đang được xã hội và cộng đồng mạng quan tâm để xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, bôi lem hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phước cũng thường xuyên tham gia các hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội để ủng hộ hoạt động của các nhóm chống đối như “No U”, “Phổ biến Hiến pháp”...
Kết quả điều tra cho thấy, Đặng Đăng Phước còn thường xuyên tìm cách lôi kéo những đối tượng bất mãn, chống đối trên địa bàn tỉnh tham gia các phiên tòa xét xử một số đối tượng vi phạm pháp luật rồi căng băng rôn, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng, kích động, gây phức tạp về an ninh trật tự; tụ tập hát những nhạc phẩm có nội dung kích động, phá hoại về tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân. Những hành động của Phước đã vi phạm các quy định của ngành giáo dục, trái với đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật Việt Nam. Các hành vi đó đã diễn ra trong một thời gian dài, mặc dù đã được các cơ quan, lực lượng chức năng nhiều lần mời làm việc để tuyên truyền, vận động, giải thích, nhắc nhở nhưng Phước không chấp hành. Được một số tổ chức, cá nhân phản động bên ngoài tung hô, bày các chiêu thức luồn lách, Phước ngày càng ngông cuồng, thách thức cơ quan chức năng.
Ấy vậy mà, trước, trong và ngay sau khi diễn ra phiên toà phúc thẩm xét xử Đặng Đăng Phước, một số tổ chức, cá nhân chống đối ở hải ngoại đã xuyên tạc, thổi phồng, đánh tráo bản chất vụ án để vu cáo Việt Nam “bắt bớ tuỳ tiện”, “trấn áp nhà hoạt động dân chủ”… Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và nhiều cá nhân, tổ chức chống phá đã đăng tải các bài viết để kêu gọi “Chính phủ Việt Nam huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại nhà giáo Đặng Đăng Phước”, đòi “trả tự do cho ông Phước ngay lập tức và vô điều kiện”! Họ tô vẽ, tạo dựng Phước thành hình tượng một “người yêu nước”, “nhà đấu tranh” điển hình, từ đó lên tiếng vu khống chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, trấn áp nhà “hoạt động cải cách”, “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”!
Những luận điệu rêu rao trên là sai trái, xuyên tạc. Thực tế, chẳng có ai bị khởi tố, bắt tạm giam chỉ vì đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, không ai bị bắt vì “hoạt động cải cách”! Chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội, núp danh dân chủ thực hiện hành vi chống phá đất nước, chống phá chính quyền nhân dân, gây rối trật tự xã hội, ảnh hưởng đến an ninh xã hội bị truy tố, xét xử trước pháp luật. Thật nực cười cho tổ chức vốn mang danh Ân xá quốc tế, Theo dõi nhân quyền lại đòi thả tự do cho kẻ đã có hành vi vi phạm nhân quyền, phạm tội như Đặng Đăng Phước. Một thầy giáo nhưng không giữ chuẩn mực nhà giáo, liên tục lợi dụng mạng xã hội để vu cáo, lan truyền các thông tin sai sự thật, gây rối an ninh, trật tự, xúc phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức thì không thể che đậy bởi lớp áo dân chủ, nhân quyền. Với lăng kính nhìn nhận của Phước, mọi vấn đề trong xã hội đều trở nên đen tối, tiêu cực, quy lỗi do Đảng, chế độ là thể hiện cách nhìn cực đoan, cố tình “đánh bùn sang ao”! Việc các tổ chức mang danh là nhân quyền lại đi bênh vực một kẻ đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, cáo buộc Việt Nam đang bắt bớ những người yêu nước chân chính, vậy thử hỏi họ đang bảo vệ hay phá hoại nhân quyền?
Có ý kiến cho rằng, nói Ân xá quốc tế và Theo dõi Nhân quyền là công cụ, tay sai hèn mọn cũng chẳng sai bởi mang danh là tổ chức quốc tế nhưng lại thường xuyên không hoạt động độc lập công khai theo tôn chỉ, mục đích đề ra mà hoạt động trá hình, theo sự chỉ đạo, theo ý đồ của một số tổ chức có chính sách thù địch với Nhà nước Việt Nam. Không khó để nhận thấy, các tổ chức này từ lâu luôn giữ một thái độ hằn học, thiếu thiện cảm với Việt Nam, tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Núp dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền” những tổ chức này đã tiến hành trợ sức, tung hô, phô trương thanh thế cho các “con rối dân chủ”, “nhà bất đồng chính kiến”, “nhà đấu tranh” trong nước như Lê Văn Dũng, Lê Mạnh Hà, Đinh Văn Hải, Bùi Văn Thuận, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng… Đồng thời, tổ chức HRW cũng là đạo diễn của cái gọi là “giải thưởng nhân quyền Hellman/Hammet” để trao cho những kẻ có “thành tích” chống phá đất nước như Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Bắc Truyển… Họ cố tình lợi dụng các “con rối” để chống phá Việt Nam từ bên trong, xây dựng các nhân tố từ bên trong để kích động phá hoại, gây mất ổn định.
Thiết nghĩ, với Đặng Đăng Phước, bản án 8 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015 là mức án hợp lý, tương xứng với các hành vi do đối tượng gây ra. Điều này cũng thể hiện sự xem xét toàn diện, thấu đáo các yếu tố tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để tuyên bản án đúng người, đúng tội, kịp thời ngăn chặn một kẻ suy thoái, biến chất đội lốt nhà giáo, đội lốt nhân quyền chống phá. Nhân quyền và lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống Đảng, Nhà nước là rất khác nhau. Việt Nam là một đất nước độc lập có chủ quyền, "quốc có quốc pháp", cần được hiểu Việt Nam có quyền thực thi luật pháp trên đất nước của mình, không cho phép bất cứ tổ chức nhân quyền trá hình nào mạo danh quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đó là nguyên tắc và được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với luật pháp quốc tế, không thể cố tình bôi lem, làm sai lệch bản chất vụ án.