Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đôi bờ Sê Pôn

Minh Ngọc - Kim Vương - 19:39, 22/08/2024

Ở nơi biên thùy, nghĩa tình của những người dân bản nhỏ như xóa nhòa những khoảng cách, họ cùng giúp nhau vượt qua gian khó, phát triển kinh tế và vun bồi mối thâm tình của cư dân hai bên biên giới Việt - Lào ngày càng gắn kết.

Lực lượng chức năng 2 nước thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát chung đường biên giới
Lực lượng chức năng 2 nước thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát chung đường biên giới

Từ mạch nguồn Sê Pôn

Sông Sê Pôn chạy dọc Trường Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị trở thành biên giới giữa 2 nước Việt Nam - Lào. Đồng bào dù sinh sống 2 bên biên giới nhưng đồng điệu văn hóa, phong tục tập quán đã gắn kết họ lại với nhau. Đặc biệt, từ khi 2 nước láng giềng xây dựng mô hình kết nghĩa bản - bản, đồng bào thường qua lại thăm thân, mối thân tình giữa 2 dân tộc, 2 đất nước anh em thêm thắm đượm. Người dân hai bên biên giới cùng nhau đoàn kết, bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc, giúp nhau làm nương rẫy, phát triển kinh tế, đời sống ngày càng nâng lên.

Mô hình kết nghĩa bản - bản được triển khai từ năm 2005, đến nay đã có 25 cặp bản kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị, Việt Nam với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Nơi biên giới, cư dân ở hai quốc gia Việt Nam và Lào cùng chia sẻ mạch nước mát của dòng Sê Pôn, cùng sinh sống thuận hòa.

Thôn Long Thành, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam và bản Ma Hạt, cụm bản Ka Túp - Ma Hạt, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tổ chức kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới vào tháng 4/2009. Sau 15 năm kết nghĩa, tình đoàn kết giữa hai thôn, bản đã nâng lên tầm cao mới, sâu sắc và toàn diện hơn. Ngày 02/5/2024 vừa qua, các địa phương hai bên biên giới đã phối hợp tổ chức sơ kết 15 năm kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới tại thôn Long Thành, xã Tân Long. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa, UBND huyện Sê Pôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương và đông đảo Nhân dân hai thôn, bản cũng đều có mặt. Gặp lại những người láng giềng, những người anh em kết nghĩa, ai cũng tay bắt mặt mừng.

Tương tự, đã 17 năm nay, người dân bản La Lay A Sói, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và bản La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với nhau thông qua kết nghĩa bản - bản.

Ông Hồ Văn Thủy, Trưởng thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết: “Sau khi kết nghĩa, 2 cặp bản thường xuyên giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế - xã hội. Hai bên đã trao tặng cây giống, con giống, hỗ trợ nhau kỹ thuật nuôi, trồng. Mỗi khi có việc, các già làng hay các vị chức sắc của hai bản lại gặp gỡ, xử lý những việc xảy ra nơi vùng biên giới. Những tranh chấp lớn nhỏ được phân xử rạch ròi, làm rõ trước sự đồng thuận của đôi bên”.

Bộ đội Biên phòng tặng quà cho bà con các bản Lào dọc biên giới
Bộ đội Biên phòng tặng quà cho bà con các bản Lào dọc biên giới

Vun đắp mối quan hệ hữu nghị bền chặt

Mô hình kết nghĩa bản - bản được triển khai từ năm 2005, đến nay đã có 25 cặp bản kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị, Việt Nam với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Nơi biên giới, cư dân ở hai quốc gia Việt Nam và Lào cùng chia sẻ mạch nước mát của dòng Sê Pôn, cùng sinh sống thuận hòa. Họ đùm bọc nhau qua chiến tranh, cùng rũ bùn đứng dậy qua những trận lũ rừng. Tình cảm giữa người dân đôi bờ cứ thế mà nảy sinh, bồi đắp, bền chặt.

Khi đã “kết nghĩa”, mối quan hệ đoàn kết giữa Nhân dân hai bản và hai nước càng thêm mặn nồng. Họ cùng phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, động viên nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa từng dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị.

Ông Phạm Trọng Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai xây dựng mô hình “Kết nghĩa bản - bản” từ sáng kiến của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Đến nay, dọc tuyến biên giới tỉnh Quảng Trị với Lào có 25 cặp bản đối diện hai bên biên giới tổ chức kết nghĩa.

Sơ kết việc thực hiện kết nghĩa vừa qua giữa các cặp bản ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam và tỉnh Savanakhet, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã khẳng định: Mô hình kết nghĩa bản - bản của tỉnh Quảng Trị là cách làm sáng tạo trong chính sách đối ngoại Nhân dân của Đảng ta. Hằng năm, tỉnh Quảng Trị sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng một số dự án như: trường học; trạm xá; công trình điện, nước; cung cấp cây, con giống; khảo sát các dự án trồng rừng, cây công nghiệp như cà phê, sắn nguyên liệu, cao su, hồ tiêu và một số dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin; tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho người Lào các bản giáp biên giới.

Việc kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới không chỉ góp phần ổn định chính trị, bảo đảm được tình hình an ninh trật tự mà còn phát triển kinh tế - xã hội, khơi dậy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác hai nước cùng phát triển là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dòng Sê Pôn tuy là biên giới tự nhiên, nhưng chẳng thể nào chia cắt được nghĩa tình của hai bản, hai nước đã kết nghĩa cùng nhau.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.