Làng Quyết Thành có tên xưa là Quế Quyển. Theo lưu truyền, nghề gốm truyền thống trong làng đã có từ năm sáu trăm năm trước. Xa xưa, một vị tổ nghề từ nơi khác đến làng lập nghiệp đã truyền dạy kỹ thuật làm gốm cho dân làng, để rồi Quyết Thành trở nên nức tiếng gần xa.
Sự khác biệt của gốm Quyết Thành với các sản phẩm gốm sứ khác chính là màu gốm tự nhiên, không tráng men, được quy định thông qua quá trình nung gốm. Những người thợ tài hoa ở nơi đây còn khéo léo dùng kinh nghiệm để chưng cất lên một loại gốm đặc biệt có màu đỏ tươi như son-đó là gốm son hay còn gọi là gốm mỹ nghệ, mang thương hiệu gốm Quyết Thành.
Quy trình để tạo ra sản phẩm gốm Quyết Thành cũng khá công phu, với nhiều công đoạn, được kiểm soát chặt chẽ. Đất sét sau khi khai thác về sẽ được để lộ thiên, hội tụ đủ khí âm dương và làm sạch, lọc bỏ tạp chất, trộn nước, luyện dẻo, nắn thành các con thoi rồi đưa tới khâu tạo hình, tạo cốt, tạo dáng sản phẩm. Đây được coi là khâu quan trọng đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, sự khéo léo, tỉ mẩn.
Trong khâu này, thợ gốm sử dụng phổ biến lối “vuốt tay, be chạch”. Thông thường, công việc trên do người phụ nữ với bà tay mềm mại, mịn màng đảm nhiệm. Phương pháp tạo dáng cổ truyền này được thợ gốm thực hiện trên bàn xoay, có sự kết hợp đều đặn giữa tay chuốt và chân quay. Sau khi sản phẩm đã đạt tới độ cân đối, tròn đều thì sẽ được đưa ra phơi cho đủ nắng rồi cho vào lò nung.
Gốm phải trải qua 4 giấc đun là: sấy, ủ, ngâm và đốt, trong đó đốt được coi là khâu quyết định. Dựa vào kinh nghiệm của mình, người “thợ cả” có thể làm chủ được ngọn lửa trong toàn bộ quá trình đốt lò. Sau khi nung, lò được bịt hết các cửa, chờ 3 đến 4 ngày cho sản phẩm nguội dần rồi mới tiến hành ra lò và kiểm tra sản phẩm...
Nhiều thế kỷ qua, người dân làng Quyết Thành vẫn nối nghiệp cổ truyền. Các sản phẩm gốm ngày càng phong phú hơn được bạn hàng trong và ngoài nước tin tưởng.
BTK