Ghềnh đá đĩa làng Vân
Dòng suối Ia Ruai ngày đêm chảy hiền hòa bên ngôi làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh), không chỉ là nguồn nước mát tưới cho ruộng đồng của dân làng, mà còn tạo ra kỳ quan với những ghềnh đá cổ hàng triệu năm tuổi. Những khối đá hình lục giác được thiên nhiên sắp đặt khéo léo thành từng lớp, rộng khoảng 200m, trải dài hơn 1km hai bên con suối.
Giữa không gian đại ngàn, những vách đá chạy theo mạch dọc thẳng đứng, có khi vòng cung, xếp thành từng hàng nhô cao với những mặt đá lục giác có kích thước tương đối đồng đều.
Nhìn từ trên cao, bãi đá cổ như một tổ ong khổng lồ, đen bóng và gồ ghề. Được ví như danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa ở Phú Yên. Tuy nhiên, ghềnh đá đĩa ở làng Vân được tự nhiên tạo nhô cao hơn, dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, hoang sơ của những khối đá lục giác này.
Theo nghiên cứu, ghềnh đá đĩa được hình thành do các dòng nham thạch nóng chảy phun ra từ các núi lửa, gặp nước biển lạnh nên đông cứng và nứt vỡ mà hình thành hàng triệu năm.
Người Gia Rai ở làng Vân không biết bãi đá và con suối ấy có từ bao giờ, chỉ biết con suối rất linh thiêng được Yàng ban tặng để che chở, nuôi sống dân làng.
Hai năm nay, vẻ đẹp độc đáo và kỳ bí ghềnh đá đĩa làng Vân là điểm đến cho những ai thích xê dịch, tìm đến thiên nhiên trong lành sau những căng thẳng công việc, ồn ào phố thị.
Chị Lê Thị Bảo Yến, du khách TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từ TP. Hồ Chí Minh về đây, tôi thấy rất ngạc nhiên bởi khung cảnh đại ngàn khoáng đạt hoang sơ. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với ghành đá đĩa ở làng Vân. Nó cho tôi thấy tạo hóa có thể tạo ra những tác phẩm tuyệt vời để mình chiêm ngưỡng. Hòa mình giữa không gian trong lành bên những phiến đá đẹp thật là thú vị”.
Ông Rơ Châm Mruých, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, cho biết: Dân làng mình tự hào và bảo vệ, không cho bất cứ ai xâm phạm đến bãi đá và con suối. Hiện nay, du khách tìm đến để chiêm ngưỡng ghềnh đá đĩa làng Vân khá nhiều.
“Địa phương cũng đã đề xuất với huyện khoanh vùng, lập các thủ tục đề nghị đưa vào quy hoạch điểm du lịch, di tích phát triển du lịch chung của huyện, gắn với Núi lửa Chư Đang Ya, làng nghề truyền thống Ia Mơ Nông và lòng hồ thủy điện Ia Ly để du khách có thể tham quan, trải nghiệm”,ông Rơ Châm Mruých nói.
Bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang
Trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan, bãi đá cổ ở làng Đôn Hyang (xã Đê Ar, huyện Mang Yang), cũng là một di sản độc đáo mà thiên nhiên ban tặng. Tại đây, từng khối các thanh đá bazan lục lăng tương đối đều đặn và tương đồng về hình dáng đứng được xếp ngay ngắn hoặc nằm song song so với mặt đất như được sắp đặt. Sức mạnh của dòng nước trên sông Ayun cùng với các biến động địa chất, đã tạo ra ghềnh đá đĩa đẹp huyền bí không kém gì ghềnh đá đĩa ở làng Vân. Vẻ đẹp nơi đây đã có sức lan tỏa và thu hút khách du lịch gần xa đến tham quan.
Anh Đinh Nun, xã Đê Ar cho biết: Mình rất tự hào vì quê hương mình có những kỳ quan hùng vĩ như vậy. Đông nhất là dịp cuối tuần, ghềnh đá đĩa đã thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu. Mình sẵn sàng chào đón, giới thiệu với mọi người về quê hương mình qua giao tiếp hay các trang mạng xã hội. Từ đó, mọi người biết đến Mang Yang nói riêng và Gia Lai nói chung có các cảnh đẹp thiên nhiên diệu kỳ của tạo hóa, chắc chắn sẽ làm mọi người yêu thích.
Ông Nguyễn Quang Tuệ - Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai nhận định: Đối với 2 ghềnh đá đĩa nói trên sẽ là những điểm đến thú vị cho du khách. Đây là những địa điểm thiên nhiên có giá trị và mang tính bền vững, du khách có thể đến nhiều lần mà vẫn thấy thích thú.
“Hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao cho các ngành có liên quan trực tiếp khảo sát để tỉnh có định hướng cho giai đoạn tiếp theo. Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chúng ta không thể ngồi chờ đến khi hết dịch mới tiến hành điền dã, khảo sát, lập hồ sơ di tích. Ngay từ bây giờ, ngành chức năng cần khẩn trương hoàn thành các bước đó và quy hoạch, mở đường giao thông, tổ chức các loại hình dịch vụ để đến khi hết dịch, ta có thể đón du khách gần xa”- ông Tuệ cho biết thêm.